Kinh tế thế giới tuần qua
Tân Tổng Giám đốc Iweala kêu gọi “làm những điều khác biệt” để cải cách WTO
Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong hai ngày (1-2/3) đã tiến hành phiên họp kín bằng hình thức trực tuyến, với sự tham dự của các đại diện từ 164 quốc gia thành viên và dưới sự chủ tọa của Đại sứ David Walker của New Zealand.
Phát biểu trước Đại hội đồng ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng Giám đốc WTO người Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi các thành viên “làm những điều khác biệt” để đạt được những cải cách cần thiết nhằm giữ cho WTO phù hợp. 164 quốc gia thành viên WTO tiến hành thảo luận về đề xuất cải cách nghề cá với các quy định mới của WTO về trợ cấp thủy sản để có thể đưa ra vào thời gian sớm nhất có thể. Bà Okonjo-Iweala xác định các quy tắc thương mại về phân phối vaccine Covid-19 là vấn đề ưu tiên và hy vọng sẽ sớm có một hội nghị sản xuất thế giới để xây dựng mối quan hệ đối tác này. Thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12) cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp Đại hội đồng, theo đó các thành viên nhất trí tổ chức MC12 vào ngày 29/11/2021 tại Geneva, Thụy Sĩ (MC 12 dự kiến tổ chức tại Kazakhstan vào năm ngoái nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch). (AFP)
Giá dầu sẽ phục hồi trong năm nay
Kết quả khảo sát vừa công bố của Reuters cho thấy, giá dầu sẽ phục hồi khá ổn định trong năm 2021 khi nhiều người được tiêm vaccine ngừa Covid-19 và tốc độ phục hồi kinh tế tăng lên, cùng với các biện pháp kích thích kinh tế và việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới.
Phần lớn các nhà phân tích cho hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, hay còn gọi là OPEC+, có thể nới lỏng những hạn chế sản lượng hiện nay trong cuộc họp vào ngày 4/3 tới, song nhóm này sẽ vẫn nhất trí duy trì việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung. Tuy vậy, các chuyên gia cho biết, nếu dịch bệnh diễn biến xấu đi và khả năng Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho Iran, thì có thể làm chậm lại đà phục hồi của dầu mỏ. (TG&VN)
IMF thông qua gói hỗ trợ 1,79 tỷ USD cho Costa Rica
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 1/3 đã thông qua gói hỗ trợ tài chính trị giá 1,79 tỷ USD kéo dài 3 năm cho Costa Rica để giúp quốc gia Trung Mỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19 và sẽ cho phép giải ngân ngay lập tức khoảng 296,5 triệu USD. Gói hỗ trợ tài chính này được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp sự sụt giảm nguồn thu của Chính phủ Costa Rica - quốc gia phụ thuộc lớn vào du lịch - khi thâm hụt ngân sách năm 2020 có khả năng vượt 9% GDP và nợ của Costa Rica hiện lên gần 70% GDP. Trước đó, IMF cũng đã tài trợ cho Costa Rica 521,7 triệu USD vào tháng 4/2020. (Reuters)
Mỹ-Trung Quốc
Standard Chartered dự báo, quan hệ Mỹ-Trung có thể được cải thiện trong thời gian tới, nhưng cũng cần khoảng 12-24 tháng. Theo ngân hàng này, Chính quyền của Tổng thống Biden có cách tiếp cận mềm mỏng hơn chính quyền tiền nhiệm trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nhưng chưa thay đổi các chính sách của cựu Tổng thống Trump, đặc biệt là các lệnh áp thuế trong thời gian ngắn. Standard Chartered nhận định, Chính quyền Tổng thống Biden sẽ ít sử dụng biện pháp thao túng tiền tệ như một công cụ để gây sức ép lên các quốc gia khác. (CNBC)
Doanh số bán của Apple tại Trung Quốc đại lục trong quý IV/2020 tăng trưởng tới 57% so với cùng kỳ năm trước, đạt kỷ lục trên 21 tỷ USD, nhờ nhu cầu lớn về iPhone 12.
Với kết quả trên, các nhà phân tích cho rằng, thị trường Trung Quốc vẫn là yếu tố quyết định đối với thành công của Apple và số liệu tích cực trong quý vừa qua của Apple tại Trung Quốc không phải là bất thường do Trung Quốc vẫn là một thị trường trọng yếu của Apple với tầng lớp trung lưu có sức mua lớn, mạng 5G mạnh hơn các thị trường khác và xu hướng sử dụng rộng rãi các ứng dụng di động dành cho các dịch vụ như mua sắm và ngân hàng, đưa đến tiềm năng để Apple tăng lợi nhuận từ kho ứng dụng App Store và các dịch vụ phần mềm.
Apple vẫn còn tiềm năng tăng trưởng tại Trung Quốc, khi thị phần điện thoại thông minh toàn cầu của hãng năm 2020 là 14,8%, nhưng thị phần tại Trung Quốc chỉ là 10,1%. Đại dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc vào đầu năm 2020 và đây là nơi đầu tiên Apple phải nỗ lực thích ứng khi các cửa hàng và các nhà máy phải đóng cửa. (TTXVN)
Kinh tế Mỹ
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện ngày 25/2, ứng viên cho vị trí Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Katherine Tai đã nêu các ưu tiên ngắn hạn và dài hạn của Chính quyền theo thứ tự: (i) Hỗ trợ mục tiêu “đưa nước Mỹ thoát khỏi đại dịch và khủng hoảng kinh tế”; (ii) Triển khai và thực thi Hiệp định USMCA; (iii) Khôi phục các liên minh quốc tế, đặc biệt là những liên minh có thể giúp giải quyết những thách thức từ Trung Quốc. (TG&VN)
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vừa tái khẳng định ý định của Fed duy trì lãi suất thấp và tiếp tục mua tài sản đảm bảo cho đến khi nền kinh tế phục hồi. Ông Powell cho biết, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ không tăng lãi suất cho vay chuẩn cho đến khi ba điều kiện được đáp ứng: Lạm phát chạm mức 2%, kỳ vọng lạm phát ở mức đó hoặc cao hơn và các thống kê cho thấy, thị trường lao động đạt mức tối đa. Một số nhà kinh tế và các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã bày tỏ lo ngại về gói cứu trợ của Tổng thống Biden sẽ khiến nền kinh tế phát triển quá nóng và lạm phát gia tăng. Tuy nhiên, ông Powell đã hạ thấp nguy cơ đó và nhận định các gói cứu trợ là cần thiết cho sự phục hồi kinh tế. (TG&VN)
Ngày 27/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua gói cứu trợ do Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đề xuất trị giá 1.900 tỷ USD. Đảng Dân chủ cho rằng, gói cứu trợ này là cần thiết để đẩy lùi đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người mất việc làm. Họ mong muốn dự luật được thông qua trước thời điểm giữa tháng 3/2021, thời điểm gói trợ cấp thất nghiệp tăng cường và một số khoản hỗ trợ khác hết hạn. Tuy nhiên, dự báo đảng Dân chủ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi gói cứu trợ được đưa ra thảo luận tại Thượng viện, do đảng Cộng hoà phản đối đề xuất tăng lương tối thiểu. (CNBC, Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
GDP Trung Quốc năm 2020 đạt 14,73 nghìn tỷ USD, hơn 70% so với đối thủ Mỹ, theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia ngày 1/3. Con số này tương đương với tăng trưởng 3% theo đồng USD (tỷ giá hối đoái trung bình 6,8974 NDT/USD). Kết quả này phần lớn là nhờ nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc vào đầu năm 2020 nhằm phục hồi sản xuất công nghiệp, thúc đẩy phát triển bất động sản và các hoạt động kinh tế khác. (Reuters)
Theo Cơ quan hải quan Trung Quốc, lượng thép nhập khẩu năm 2020 đạt 38,56 triệu tấn, tăng 150% so với năm trước liền kề trong bối cảnh các nhà sản xuất thép phải nỗ lực để theo kịp nhu cầu tăng cao - hệ quả của chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế nước này khỏi suy thoái do dịch Covid-19. Hiện các nhà sản xuất thép khu vực châu Á được cho là đang hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu tăng cao của Trung Quốc. Tuy nhiên, các sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu vào năm 2020 chủ yếu là thành phẩm giá rẻ sử dụng trong xây dựng và các mục đích khác, với giá nhập khẩu trung bình giảm 35% xuống còn 630 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với giá xuất đi từ Trung Quốc trung bình là 791 USD/tấn. Xu hướng này cho thấy các nhà sản xuất thép Trung Quốc tập trung vào các sản phẩm chuyên biệt, có giá trị gia tăng cao. (Nikkei)
Châu Âu
Dữ liệu từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 24/2 cho hay, nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong quý IV/2020 tăng trưởng 0,3% so với quý trước đó. Kết quả này tốt hơn dự báo được đưa ra hồi cuối tháng 1/2021. Báo cáo trên của Destatis đồng nghĩa với việc, mức suy giảm kinh tế của Đức trong cả năm 2020 sẽ bớt căng thẳng hơn dự kiến, chỉ ở mức 4,9% thay vì 5%. Tuy vậy, con số này đã đánh dấu sự chấm dứt một thập kỷ tăng trưởng kinh tế Đức và là mức sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Nền kinh tế của Đức vẫn diễn biến tốt hơn một số nước khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhờ lực đẩy từ lĩnh vực sản xuất, vốn ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành dịch vụ trong thời kỳ đại dịch. (AP)
Cơ quan thống kê quốc gia Italy (Istat) ngày 1/3 công bố số liệu cho biết, nợ công của nước này trong năm 2020 tăng mạnh, do các biện pháp hạn chế để chống dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế. Theo Istat, năm 2020, tổng nợ của Italy đã tăng lên mức tương đương 155,6% GDP cao hơn 20 điểm phần trăm so với mức 134,6% GDP trong năm 2019.
Như vậy, cuối năm 2020, nợ của Italy ở mức 2.570 tỷ Euro (khoảng 3.110 tỷ USD), tăng so với 2.410 tỷ Euro trong năm 2019. GDP của Italy năm 2020 giảm 8,9%, do những biện pháp được Chính phủ thực hiện nhằm ngăn chặn sự lây lan của của dịch Covid-19. Italy đang kỳ vọng vào khoản tiền trên 200 tỷ Euro từ quỹ phục hồi hậu đại dịch của EU để có thể vực dậy nền kinh tế trong nước. Ngoài ra, Istat cũng công bố số liệu về lạm phát, cho thấy giá tiêu dùng trong tháng 2/2021 tăng 0,1% so với tháng 1/2021 và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm ngoái. (TG&VN)
Ngày 24/2, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói hỗ trợ kinh tế bổ sung trị giá 11 tỷ Euro (13,4 tỷ USD) nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các nhà tự doanh của Tây Ban Nha đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Một nguồn tin từ Chính phủ Tây Ban Nha cho hay, nội dung của kế hoạch này vẫn đang được thảo luận với Ngân hàng trung ương Tây Ban Nha, bao gồm khả năng cắt giảm các khoản vay được nhà nước cung cấp và tái cấp vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Động thái này được xem là phù hợp với lời kêu gọi của các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng Covid-19, sau khi Chính phủ đã cung cấp các khoản vay ưu đãi trước đó. Vào tháng 11/2020, Madrid đã gia hạn chương trình thanh khoản ICO trị giá 140 tỷ Euro cho đến tháng 6/2021, nhưng quyết định đó không thể bù đắp được tác động của đợt bùng phát thứ ba đại dịch Covid-19 đối với các công ty đang mắc nợ lớn. (Reuters)
Nhật Bản và Hàn Quốc
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm tài khóa 2020 (kết thúc tháng 3/2021) xuống còn âm 5,6% từ mức âm 5,5% được đưa ra vào tháng 10/2020. Ngoài ra, BOJ nâng dự báo tăng trưởng GDP năm tài khóa 2021 từ mức 3,6% trước đó lên 3,9%. Trong bối cảnh Covid-19 phủ mây đen lên triển vọng kinh tế, BOJ quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn ở quanh mức 0%. (Kyodo)
Ngày 25/2, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5%. BoK sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế và đối phó với những bất ổn liên quan đến dịch bệnh và thị trường việc làm suy yếu. (Yonhap News)
Theo số liệu của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, xuất khẩu của nước này trong tháng 2/2021 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 44,8 tỷ USD nhờ vào sự gia tăng tháng thứ 4 liên tiếp của chip điện tử, ô tô và các mặt hàng chủ lực khác. Trong khi đó, nhập khẩu tăng 13,9% đạt 42,1 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 2,71 tỷ USD (Yonhap News)
ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
Ngày 2/3, Bloomberg đưa tin Tập đoàn Vinfast của Việt Nam có kế hoạch mở một nhà máy sản xuất xe ô tô tại San Francisco sau khi đã thiết lập một bộ phận nghiên cứu, gồm 50 người đặt tại đây, chuẩn bị cho kế hoạch bán ô tô tại bang California kể từ năm 2022. Trả lời email của Bloomberg, đại diện Vinfast cho biết, Tập đoàn có kế hoạch thành lập nhà máy sản xuất ô tô ở Mỹ nhưng không tiết lộ thêm thông tin. Vinfast cũng có kế hoạch bán ô tô tại thị trường Canada và châu Âu cũng kể từ năm 2022. (Bloomberg)
Ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka, ứng dụng du lịch lớn nhất Đông Nam Á, dự kiến triển khai các dịch vụ tài chính tại Thái Lan và Việt Nam trước khi niêm yết cổ phiếu tại Mỹ trong năm nay thông qua một công ty thâu tóm có mục đích đặc biệt (SPAC). Ông Indra nói kế hoạch đầu tư vào công nghệ tài chính sẽ giúp nhiều khách hàng trong khu vực có thể đi du lịch hơn. Ông nói thêm, hoạt động kinh doanh du lịch đã đạt lợi nhuận trở lại vào cuối năm 2020. Traveloka, ứng dụng có 40 triệu người dùng mỗi tháng, đang phát triển các dịch vụ "mua trước, trả sau" tại các thị trường Thái Lan và Việt Nam. Ông Indra cho biết Traveloka gần đây đã thành lập liên doanh với một trong những ngân hàng lớn nhất tại Thái Lan để hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Ứng dụng này cũng đang đàm phán với các đối tác tiềm năng tại Việt Nam. (Reuters)
Phát biểu tại Hội nghị với chủ đề Triển vọng kinh tế Indonesia 2021 ngày 25/2, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) cho biết, Indonesia sẽ chứng minh rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2021 cao hơn dự báo của nhiều tổ chức kinh tế và tài chính quốc tế. Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tốc độ kinh tế của Indonesia năm 2021 vào khoảng 4-5%. Theo ông Jokowi, thời kỳ khó khăn nhất của nền kinh tế Indonesia do đại dịch Covid-19 tác động đã qua, nên năm 2021 là thời kỳ phục hồi. Mặc dù vậy, ông Jokowi cho biết Indonesia cần phải đáp ứng một số điều kiện để nền kinh tế quốc gia có thể hoạt động tốt hơn dự kiến. Đầu tiên, xã hội cần tiếp tục thực thi các giao thức y tế quốc gia thông qua các chính sách 3M (đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và rửa tay). Thứ hai, chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình 3T (truy vết tiếp xúc, xét nghiệm và điều trị) và thực thi các hạn chế đối với các hoạt động cộng đồng vi mô (PPKM). Thứ ba, tiêm chủng quốc gia. Indonesia phải nỗ lực để có được vaccine ngừa Covid-19 đang bị các nước trên thế giới cạnh tranh. Thứ tư, thông qua chương trình Phục hồi Kinh tế Quốc gia (PEN). Thứ sáu, thành lập Cơ quan Đầu tư Indonesia (INA). Đây là cơ quan quản lý đầu tư của Quỹ tài trợ quốc gia (SWF). (TTXVN)