📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (28/5-3/6): Người Mỹ tăng chi tiêu, giảm xin trợ cấp; Trung Quốc dồn lực hút FDI; GDP APEC sẽ bật tăng

HOÀNG NAM 13:45 | 03/06/2021
Người Mỹ chi tiêu nhiều hơn, đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm; kinh tế APEC sẽ bật tăng sau thời gian dài dồn nén, Trung Quốc dồn lực thu hút vốn FDI… là các tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

GDP của 21 nền kinh tế thành viên APEC năm 2021 dự kiến tăng 6,3%

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2021 dự kiến sẽ tăng trưởng 6,3% trong bối cảnh các nước đang dần mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa xã hội liên quan đến đại dịch Covid-19 và việc triển khai thành công các chương trình tiêm chủng khiến nhiều người lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.

Cơ quan Hỗ trợ Chính sách của APEC cho biết, đà tăng trưởng GDP của các nước thành viên chủ yếu là nhờ nhu cầu chi tiêu bị dồn nén được giải phóng sau một năm giãn cách xã hội dẫn tới hạn chế chi tiêu.

Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo rằng sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra không đồng đều đối với các nước APEC, phần lớn là do sự khác biệt về khả năng tiếp cận và cung cấp vaccine. Tăng trưởng GDP của APEC sẽ vẫn dược duy trì trong năm 2022 và 2023, nhưng với tốc độ vừa phải hơn, lần lượt là 4,4% và 3,4%. (Nikkei).

G20 xem xét đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 29/5 cho biết có thể đạt được một thỏa thuận sâu rộng về cải cách thuế quốc tế trong tháng 7/2021, đề ra các quy định mới về áp thuế đối với các công ty công nghệ toàn cầu để hạn chế hành vi trốn thuế.

G20 đang xem xét cho phép các quốc gia đánh thuế đối với những tập đoàn kỹ thuật số có doanh thu và mức lợi nhuận lớn từ 15% trở lên, ngay cả khi họ không hoạt động ở một quốc gia nhưng tạo ra doanh số và lợi nhuận ở đó, một phương thức được gọi là thuế kỹ thuật số. Các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, dự kiến cũng sẽ nhất trí với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu khoảng 15%. (Kyodo)

Hội nghị thượng đỉnh P4G trực tuyến

Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) 2030 diễn ra ngày 30-31/5 bằng hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Hàn Quốc.

Hội nghị nhấn mạnh khủng hoảng khí hậu và đại dịch Covid-19 là hai thách thức toàn cầu khẩn cấp. Nhiều ý kiến khẳng định phục hồi theo hướng xanh và bền vững cần trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia và cộng đồng quốc tế nhằm tạo bước ngoặt trong thực hiện Thỏa thuận Paris về khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs).

Các nhà Lãnh đạo cũng đề cao tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác bao trùm giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân, nhất là đối tác công-tư (PPP). (The Herald)

Kinh tế Mỹ

Bộ Tài chính Mỹ công bố các đề xuất liên quan đến chính sách thuế của Tổng thống Joe Biden, vốn được kỳ vọng sẽ huy động 2.400 tỷ USD trong vòng 10 năm.

Kế hoạch bổ sung các đề xuất thuế nằm trong gói thúc đẩy kinh tế trị giá 4.000 tỷ USD của ông Biden, bao gồm cả thông tin về đề xuất tăng thuế đối với những người giàu có và các tập đoàn, bên cạnh những đề xuất mở rộng các khoản tín dụng thuế có thể làm giảm nguồn thu ngân sách liên bang.

Tổng thống Biden đã chia các sáng kiến kinh tế lớn của mình thành hai kế hoạch: "Kế hoạch Việc làm của Mỹ", tập trung vào giao thông và giải quyết biến đổi khí hậu, và "Kế hoạch Gia đình Mỹ", tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục và chăm sóc trẻ em. (WSJ)

Báo cáo ngày 28/5 của Bộ Thương mại Mỹ cho biết người Mỹ đã tăng chi tiêu thêm 0,5% trong tháng 4/2021, nhờ việc chi tiêu hàng tỷ USD từ các gói cứu trợ dành cho cá nhân của hính phủ. Mặc dù mức tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng của tháng 4/2021 đã hạn chế hơn so với mức tăng tương ứng 4,7% trong tháng 3, song đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy người tiêu dùng đang góp phần thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ từ cuộc suy thoái liên quan đến đại dịch Covid-19.

Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy, lạm phát giá cả của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng vượt dự kiến 3,6% trong 12 tháng kết thúc vào tháng 4/2021. (Reuters)

Số liệu mới nhất được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 27/5 cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm tuần thứ tư liên tiếp và đạt mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Cụ thể, số người lao động tại Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm từ 444 nghìn người xuống còn 406 nghìn người, thấp hơn cả mức dự báo 425 nghìn người mà giới chuyên gia đưa ra trước đó. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2020 và ở dưới ngưỡng 500 nghìn người tuần thứ ba liên tiếp. (CNBC)

Kinh tế Trung Quốc

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) ngày 25/5 công bố số liệu thống kê cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, ngành phần mềm của Trung Quốc tăng trưởng 25% so với cùng kỳ 2020, doanh thu đạt 2.571,9 tỷ NDT (khoảng 395,6 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bình quân trong 2 năm 2019 và 2020 là 11,7%. Ứng dụng công nghệ thông tin thế hệ mới như dịch vụ điện toán đám mây và dữ liệu lớn phát triển nhanh. (China Daily)

Trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn FDI trong các ngành công nghệ cao của Trung Quốc tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các ngành dịch vụ công nghệ cao bao gồm các dịch vụ liên quan đến nghiên cứu và phát triển, thiết kế, ứng dụng nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại điện tử và thông tin tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngành sản xuất công nghệ cao cũng chứng kiến việc mức sử dụng vốn FDI hàng năm tăng 15,4%.

Trong giai đoạn Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025), Trung Quốc sẽ đẩy nhanh phát triển chiến lược tuần hoàn kép và đưa ra nhiều biện pháp mở cửa hơn. Khi đó, FDI sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng vì nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn tự tin vào hoạt động kinh tế sau dịch bệnh.

Các ngành công nghệ cao bao gồm phương tiện năng lượng mới, y sinh và sản xuất thông minh, cũng như các ngành dịch vụ như y tế, giáo dục và đào tạo, và các lĩnh vực du lịch văn hóa dự kiến sẽ trở thành những lĩnh vực đầu tư chính. (Mạng kinh tế Trung Quốc)

Kinh tế châu Âu

Bloomberg Economics dự báo quy mô chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ vẫn giữ ở mức khoảng 85 tỷ Euro (103 tỷ USD)/tháng trong quý III/2021. Các số liệu dự đoán trên được đưa ra nhiều ngày sau khi các quan chức hàng đầu của ECB phản đối thông tin cho rằng ngân hàng này đã sẵn sàng rút lại phần nào chương trình mua trái phiếu.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuần trước cho biết còn “quá sớm” để thảo luận về kế hoạch loại bỏ các gói kích thích kinh tế. ECB sẽ công bố những dự báo kinh tế cập nhật xác nhận triển vọng tốt hơn của nền kinh tế khu vực này khi chương trình tiêm chủng được mở rộng hơn.

Các cuộc khảo sát mới đây cho thấy mức độ lạc quan vào nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã được cải thiện đáng kể, sản lượng công nghiệp tăng và áp lực lạm phát giá cả cũng cao hơn. (Bloomberg)

Tại Hội nghị bộ trưởng thương mại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tổ chức tại Anh, ngày 27-28/5, Anh kêu gọi các nước G7 ủng hộ công cuộc cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Anh cho rằng cần phải có một hệ thống giải quyết tranh chấp hoạt động đầy đủ để xử lý các vấn đề liên quan đến trợ cấp không công bằng cho các ngành công nghiệp và nông nghiệp, hiện đại hóa các bộ quy tắc của WTO, thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và thương mại xanh.

Anh cũng đồng thời cảnh báo nếu không đạt được tiến bộ thực sự trong việc cải cách WTO cho phù hợp với thế kỷ XXI, hệ thống thương mại toàn cầu sẽ có nguy cơ bị tan rã. (TTXVN)

Chính phủ Italy ngày 28/5 đã thông qua nghị định trong đó quy định cách thức giám sát các khoản đầu tư do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, đồng thời đẩy nhanh các thủ tục cho các công trình công. Đây được xem là một bước quan trọng để Italy nhận được tài trợ từ quỹ phục hồi của EU.

Những cải cách trong Kế hoạch phục hồi mà Italy đã cam kết với Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ được "bật đèn xanh" và khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 205 tỷ Euro (250 tỷ USD) cùng các khoản vay lãi suất thấp đầu tiên sẽ được Brussels giải ngân vào tháng 8/2021. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 4/2021 ở nước này đã tăng nhẹ, trong khi lạm phát ở thủ đô Tokyo vẫn giảm. Cụ thể, trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp đã được điều chỉnh theo mùa của Nhật Bản tăng 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước đó lên 2,8%. Số người thất nghiệp cũng tăng thêm 140.000 người, tương đương 7,8%, lên 1,94 triệu người.

Còn theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tỷ lệ việc làm sẵn có trên số người tìm việc ở nước này giảm 0,01 điểm xuống còn 1,09. Điều đó cho thấy tình hình thị trường việc làm ở Nhật Bản đang xấu đi, chủ yếu do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. (Tokyo News)

Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ ban hành thuế thu nhập đối với lợi tức đầu tư từ các giao dịch tiền kỹ thuật số bắt đầu từ năm sau như kế hoạch, dù giới đầu tư kêu gọi hoãn kế hoạch đánh thuế này. Lợi tức từ các giao dịch tiền kỹ thuật số sẽ được phân loại là “thu nhập không rõ ràng” và chịu mức thuế 20% từ năm sau, đồng thời phải được báo cáo trong hồ sơ thuế thu nhập chung vào tháng 5/2023.

Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc được chỉ định là cơ quan nhà nước cao nhất có nhiệm vụ giám sát và quản lý thị trường tài sản ảo. Còn Bộ Khoa học, Công nghệ Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc được giao nhiệm vụ quản lý sự phát triển của ngành công nghệ chuỗi khối (blockchain) có liên quan. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á có thể tăng hơn 260 tỷ USD vào năm 2030 nếu các sàn mua sắm trực tuyến lớn hành động mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích và tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân. Báo cáo của IFC, dựa trên dữ liệu đối chiếu từ trang thương mại điện tử Lazada ở Đông Nam Á, cho thấy phụ nữ đã đạt được bình đẳng giới trong thương mại điện tử vào năm 2019. (CNBC)

Ngày 28/5, Thái Lan và Hàn Quốc đã nhất trí khởi động một cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng giữa hai bên về an toàn sinh học và ký kết một hiệp định song phương về hợp tác y tế. Thái Lan thúc đẩy dự án Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) nhằm phát triển 3 tỉnh phía Đông Nam thủ đô Bangkok trở thành cơ sở phát triển cốt lõi của các ngành công nghệ cao và hy vọng các công ty Hàn Quốc có thể tham gia và đóng góp vào dự án này. (Yonhap)

Theo thống kê của Bộ Nông, Lâm và Ngư nghiệp, Campuchia đã xuất khẩu 19.916 tấn dầu cọ thô trong 5 tháng đầu năm 2021, tăng 5.246 tấn (tương đương 35,76%) so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ và Malaysia là hai thị trường tiêu thụ dầu cọ thô của Campuchia nhiều nhất trong năm tháng qua, mặc dù Malaysia là nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Indonesia. (Phnom Penh Post)