📞

Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (6/8-12/8): Lý do giá vàng 'bốc hơi', Bắc Kinh quyết níu giữ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc

Chu Văn 13:58 | 12/08/2020
TGVN. Lý do giá vàng 'bốc hơi' quá nhanh; Trung Quốc quyết giữ quan hệ song phương với Mỹ không lún sâu hơn nữa vào thế đối đầu; Châu Á-Thái Bình Dương mất 54,3 tỷ USD kiều hối vì Covid-19... là một số tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Kinh tế thế giới nổi bật tuần qua (23/7-30/7): Vàng tăng trở lại sau quyết định của Fed,

Kinh tế toàn cầu

Lý do giá vàng "bốc hơi" quá nhanh

Giá vàng thế giới sáng 12/8 (theo giờ Việt Nam) được giao dịch quanh ngưỡng 1.921,7 USD/ounce, giảm 66,5 USD/ounce so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi theo giá USD tại Vietcombank (23.270 VND/USD), giá vàng thế giới tương đương 53,87 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán vàng SJC 1,61 triệu đồng/lượng.

Vàng thế giới lao dốc không phanh trên thị trường thế giới và được dự báo có thể giảm tiếp trong các phiên tới do hoạt động đóng lệnh giao dịch khi thua lỗ đến một mức nhất định (margin call).

Vàng quay đầu giảm giá mạnh chủ yếu do hoạt động chốt lời và thông tin Nga đã trở thành nước đầu tiên trên thế giới chế tạo và đăng ký vaccine chống Covid-19. Hoạt động bán ra đã bất ngờ dẫn tới một làn sóng bán tháo do giới đầu tư cài đặt sẵn ở các mức để cắt lỗ.

Không những thế, đợt giảm mạnh có thể dẫn tới hoạt động margin call và theo đó vàng còn giảm giá sâu thêm nữa trong vài ngày tới.

Vàng giảm mạnh còn do chứng khoán Mỹ tăng vọt lên các đỉnh cao kỷ lục mới và quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ thông qua một gói kích thích mới. Giới đầu tư kỳ vọng 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ sẽ giải quyết những bất đồng để thông qua một chương trình giải cứu mới, hỗ trợ khoảng 30 triệu người Mỹ thất nghiệp.

Tuy nhiên, về dài hạn, vàng được dự báo vẫn ở trong xu hướng tăng. Căng thẳng Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 còn phức tạp và quan trọng hơn là một khối lượng tiền khổng lồ được các nước bơm ra thị trường là các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ đối với vàng.


Châu Á-Thái Bình Dương mất 54,3 tỷ USD kiều hối vì Covid-19

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố một nghiên cứu dự báo lượng kiều hối được chuyển về khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ giảm tới 54,3 tỷ USD trong năm 2020 do tình trạng thất nghiệp trên diện rộng và người lao động nhập cư bị giảm lương.

Đây là hậu quả của việc đại dịch Covid-19 kéo dài, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới. Theo ADB, con số 54,3 tỷ USD tương đương với mức giảm 19,8% so với số liệu của năm 2018. Theo ADB, sự sụt giảm này chủ yếu do lượng kiều hối từ khu vực Trung Đông giảm đến 22,5 tỷ USD, tương đương 41,4% mức giảm toàn khu vực. Theo sau là nước Mỹ với mức giảm tương đương 37,9% toàn khu vực. (ADB)


Mỹ-Trung Quốc

Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai phần mình trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Hoa Kỳ và sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính bất chấp tình hình quan hệ song phương xấu đi giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, THX dẫn lại lời Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Dịch Cương, hôm 9/8.

Đại diện thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dự kiến sẽ có cuộc họp video trực tuyến với Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong tuần này để đánh giá việc thực hiện thỏa thuận. Lập trường tiếp tục thực hiện thỏa thuận là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực giữ quan hệ song phương không lún sâu hơn nữa vào thế đối đầu trực tiếp. (SMCP 10/8).


Thị phần hàng may mặc Trung Quốc tại thị trường Mỹ giảm trong năm vừa qua, trong khi thị phần của hàng hoá may mặc nhập khẩu từ Việt Nam lại tăng. Cụ thể, thị phần hàng may mặc nhập khẩu từ Trung Quốc giảm từ 30% (năm 2019) xuống 20% (2020) trong khi thị phần của hàng may mặc nhập khẩu từ Việt Nam tăng từ 16% (2019) lên 20% (2020).

Nguyên nhân được cho là gia tăng căng thẳng giữa Mỹ-Trung Quốc, chiến tranh thương mại và Covid-19 khiến thị phần của hàng hoá may mặc Trung Quốc tại Trung Quốc giảm trong 1 năm qua. Kết quả điều tra của Hiệp hội thời trang Mỹ cho thấy, 29% doanh nghiệp được hỏi cho biết họ nhập khẩu nhiều hơn từ Việt Nam so với Trung Quốc, tỷ lệ này năm 2019 là 25% (SMCP)


Mỹ

Chủ tịch FED chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari và giáo sư Michael T. Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota nhận định, lệnh đóng cửa vào tháng 3 không được thực hiện nghiêm ngặt đã dẫn đến việc Mỹ tụt hậu, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, kinh tế chậm phục hồi hơn so với các quốc gia triển khai một cách toàn diện và khắt khe hơn ngay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Cả hai cho rằng chính phủ cần ban hành và thực hiện các quy định nghiêm ngặt hơn nữa nếu muốn đánh bại Covid-19; và đề xuất Chính phủ nên ban hành lệnh tạm trú tại chỗ cho tất cả mọi người trừ những người lao động thực sự cần thiết trong 6 tuần.

Sau 2 tháng số liệu việc làm tăng kỷ lục, số lượng việc làm mới được tạo ra tại Mỹ vào tháng 7 đã dần chậm lại nhưng vẫn cao hơn ước tính của các chuyên gia. Theo số liệu Bộ Lao động Mỹ mới công bố, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp từ mức 11,1% xuống còn 10,2% trong tháng 7. Số lượng việc làm phi nông nghiệp tăng gần 1,8 triệu trong tháng 7. (New York Times, CNBC)


Trung Quốc

Các chỉ số giữa năm cho thấy, kinh tế Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn suy giảm do Covid-19 và phục hồi mạnh mẽ trong quý II, các chuyên gia cho rằng quá trình phục hồi chữ V của nước này mới chỉ bắt đầu.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý II đạt 3,2%, đối lập với mức sụt giảm 6,8% của quý I. Dữ liệu gần đây cho thấy, chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong khu vực sản xuất của Trung Quốc đã tăng từ 50,9 trong tháng 6 lên 51,1 trong tháng 7, là tháng thứ năm tăng trưởng liên tiếp, cho thấy niềm tin vào thị trường đã tăng lên đáng kể. (Xinhuanet )


Nhằm nâng cao tính tự chủ trong dài hạn, chính phủ Trung Quốc vừa công bố một loạt chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất bán dẫn trong nước.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quan ngại những chính sách này có thể dẫn đến hao phí nguồn lực và dư thừa năng lực sản xuất. Hiện Trung Quốc đã có hơn 45.000 doanh nghiệp liên quan đến ngành sản xuất bán dẫn và số doanh nghiệp mới đăng ký trong quý II/2020 đã tăng 200% so với năm ngoái. Tuy nhiên đa số tập trung vào sản phẩm có công nghệ cũ, vì đầu tư thấp nhưng vẫn đủ tiêu chuẩn hưởng ưu đãi. Hệ quả là Trung Quốc sẽ tiếp tục lệ thuộc vào nhập khẩu bộ vi xử lý cao cấp trong nhiều năm tới. (SMCP)


Châu Âu

Hoạt động kinh doanh tại Khu vực đồng Euro (Eurozone) đã phục hồi trở lại với mức tăng trưởng khiêm tốn trong tháng 7, khi một số biện pháp phong tỏa được áp đặt trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 được dỡ bỏ, song đà phục hồi của lĩnh vực dịch vụ không mạnh như dự kiến.

Theo IHS Markit, chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI), một trong những chỉ số về sức khỏe của kinh tế Eurozone, đã tăng từ 48,5 trong tháng 6 lên 54,9 trong tháng 7.

Trong Quý II/2020, kinh tế Eurozone đã giảm kỷ lục 12,1%. Tuy nhiên, một cuộc thăm dò ý kiến do Reuters thực hiện dự đoán nền kinh tế của khu vực này sẽ tăng trưởng 8,1% trong quý III/2020, khi một số hoạt động của doanh nghiệp trở lại bình thường.

Chris Williamson, nhà kinh tế thuộc IHS Markit, nhận định, Pháp và Đức chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ, trong khi Tây Ban Nha và Italy cũng cho thấy sự hồi phục khi các biện pháp ngăn chặn Covid-19 tiếp tục được nới lỏng. Nhu cầu tổng thể gia tăng và lòng tin được cải thiện, song các doanh nghiệp vẫn cắt giảm mạnh nhân công với chỉ số việc làm đứng ở mức 46,5. Thêm vào đó, dù các nhà quản lý mua hàng lạc quan hơn về năm tới, chỉ số kỳ vọng đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vẫn dưới mức trung bình dài hạn. (Reuters, TTXVN)


Nhật Bản và Hàn Quốc

Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss, ngày 7/8, đã đã nhất trí về các yếu tố quan trọng trong thoả thuận thương mại song phương.

Hai bên đạt thoả thuận đáng kể về thuế quan đối với hầu hết các sản phẩm công nghiệp. Thuế ô tô, sản phẩm chiếm nhiều nhất trong xuất khẩu của Nhật Bản sang Anh, sẽ được giảm theo từng giai đoạn và sẽ được xoá bỏ hoàn toàn vào năm 2026. Hai nước hy vọng thoả thuận sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1 năm sau. Giai đoạn chuyển giao để Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) sẽ kết thúc vào cuối năm nay. (NHK).


Theo Cơ quan Xúc tiến đầu tư – thương mại Hàn Quốc (KOTRA) ngày 9/8, Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại nhất từ trước đến nay trong giai đoạn từ tháng 1-6/2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Các rào cản thương mại đối với Hàn quốc gia tăng đều từ mức 117 trường hợp trong năm 2011, đến 210 trường hợp trong năm 2019, và tăng lên đến 226 trường hợp trong nửa đầu năm 2020. Trong đó, 73% là quy định về thuế chống bán phá giá, 23% là các biện pháp tự vệ, 4% là thuế đối kháng (Yonhap News)


ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

Quốc hội Myanmar đã phê chuẩn khoản vay 483,8 triệu USD (khoảng 660 tỷ Kyats) từ Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) cho dự án phát triển đường cao tốc nối Bago-Thanlyn đến đặc khu kinh tế Thilawa, đường vành đai ngoài của Yangon, sân bay quốc tế Hanthawaddy và đường cao tốc Yangon-Mandalay.

Dự án này là một phần trong dự án hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). Dự án sẽ kết nối cảng Đà Nẵng của Việt Nam với cảng Thilawa Myanmar và đi qua ba nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Dự kiến, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2021 và hoàn thiện vào năm 2027. (ĐSQVN tại Myanmar)