Các thách thức đang ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới bao gồm Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. (Nguồn: AP) |
Tuần trước, các nền kinh tế lớn thế giới như Mỹ và Pháp đã công bố dữ liệu mới nhất về lạm phát, tiết lộ rằng giá của một loạt các hàng hóa trong tháng 6/2022 đã tăng nhanh nhất trong 4 thập niên qua.
Những con số đó khiến các ngân hàng trung ương mạnh tay hơn nữa trong việc tăng lãi suất để hạ nhiệt lạm phát - một hành động có thể khiến nhiều lao động mất việc làm, tác động mạnh đến thị trường tài chính và đe dọa các nước nghèo với khủng hoảng nợ.
Cũng trong tuần trước, Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý II/2022. Mức tăng trưởng đó thấp hơn nhiều so với mức tăng 1,2% trong cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg với các nhà kinh tế.
"Bóng ma" tăng trưởng kinh tế chậm lại, kết hợp với giá cả tăng cao có thể khiến thế giới phải đối mặt với lạm phát đình trệ. Lần cuối cùng thế giới phải đối mặt với vấn đề này là năm 1970.
Các thách thức đang ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới bao gồm Covid-19, cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra và chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Covid-19 không chỉ là một yếu tố rủi ro
Julia Coronado, nhà kinh tế học tại Đại học Texas tại Austin (Mỹ) nhận định: "Khá nhiều hoạt động trong cuộc sống của chúng tôi đã bị gián đoạn bởi đại dịch và sau đó, chúng tôi tiếp tục phải đối mặt với hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine.
Đại dịch đã khiến chính phủ buộc phải áp dụng các biện phát nghiêm ngặt để hạn chế sự lây lan, gây trở ngại cho các nhà máy từ Trung Quốc, Đức đến Mexico. Mọi người ở nhà sau đó đặt hàng hóa với khối lượng kỷ lục (bao gồm thiết bị tập thể dục, thiết bị nhà bếp, đồ điện tử). Điều này vượt quá khả năng sản xuất và vận chuyển, dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng".
Nhà kinh tế Julia Coronado cho biết thêm, hàng hóa khan hiếm sản phẩm kéo theo giá cả tăng cao. Covid-19 đã khiến các chính phủ phải tung ra hàng nghìn tỷ USD cho các gói kích thích kinh tế để hạn chế tình trạng thất nghiệp và phá sản.
Đối mặt với lạm phát cao kỷ lục, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết đoán nâng lãi suất với tốc độ nhanh để cố gắng loại bỏ lạm phát, ngay cả khi hành động này làm dấy lên lo ngại rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy thoái.
Đại dịch cũng là trung tâm của lời giải thích cho tốc độ tăng trưởng thấp đáng ngạc nhiên tại Trung Quốc trong quý II/2022. Chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã đã hạn chế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc tuyên bố, trên toàn cầu, tình trạng mất an ninh lương thực và nạn đói đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi đại dịch bùng phát, tăng từ 135 triệu người lên 276 triệu người.
Khi Covid-19 vẫn còn là một mối đe dọa, những lao động làm việc trong văn phòng sẽ tạm dừng đến các nhà hàng để sử dụng dịch vụ. Covid-19 cũng sẽ ngăn cản người dân lên máy bay, đặt phòng khách sạn hoặc đến các rạp chiếu phim.
Bà Haugland, chuyên gia kinh tế của DNB Markets nhấn mạnh: “Thế giới vẫn đang phải vật lộn với đại dịch. Chúng ta không thể chỉ coi đó là một yếu tố rủi ro".
Sức ép từ giá cả leo thang là trở ngại lớn đối với nền kinh tế thế giới trong quá trình phục hồi từ đại dịch. (Nguồn: Getty) |
Xung đột Nga-Ukraine gia tăng tình trạng hỗn loạn
Xung đột Nga-Ukraine đã làm tăng thêm tình trạng hỗn loạn. Các lệnh trừng phạt từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã khiến nguồn cung năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng và giá cả tăng vọt.
Giá một thùng dầu thô Brent đã tăng gần 1/3 trong 100 ngày đầu xung đột.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phụ thuộc gần 1/3 lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Khi đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 "chở" khí đốt từ Nga sang Đức bảo trì từ ngày 11/7, quốc gia này đang chuẩn bị cho kịch bản Moscow cắt đứt dòng chảy khí đốt vĩnh viễn.
Các nhà kinh tế cho biết, nếu nền kinh tế lớn nhất châu Âu mất hoàn toàn quyền tiếp cận khí đốt của, nước này gần như chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái và số phận tương tự cũng có thể xảy ra với toàn khu vực.
Oxford Economics, một công ty nghiên cứu ở Anh tuyên bố: "Đối với châu Âu, nguy cơ suy thoái là có thật".
Trước tình trạng này Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể phải đi đến quyết định khó khăn, đó là tăng lãi suất.
Thông thường, một ngân hàng trung ương hỗ trợ nền kinh tế đang trượt dốc về phía suy thoái sẽ hạ lãi suất để cung cấp tín dụng nhiều hơn, thúc đẩy việc vay mượn, chi tiêu và thuê mướn. Nhưng châu Âu đang phải đối mặt với không chỉ tăng trưởng suy yếu mà còn cả giá cả tăng vọt.
Việc tăng lãi suất sẽ hỗ trợ đồng Euro - đã giảm hơn 10% giá trị so với đồng USD trong năm nay. Điều này sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu của châu Âu, một trong những vấn đề gây nên lạm phát.
Mối nguy hiểm sâu sắc nhất đang giáng xuống các quốc gia nghèo và thu nhập trung bình, đặc biệt là những quốc gia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần lớn như Pakistan, Ghana và El Salvador.
Khi các ngân hàng trung ương ở các quốc gia giàu có thắt chặt tín dụng, các nhà đầu tư sẽ từ bỏ các quốc gia đang phát triển, thay vào đó là "nương tựa" vào các tài sản vững chắc như trái phiếu chính phủ Mỹ và Đức - hiện đang trả lãi suất cao.
Dòng tiền này đã làm tăng chi phí đi vay cho các quốc gia từ châu Phi cận Sahara đến Nam Á. Trong khi đó, chính phủ các nước này đang phải đối mặt với áp lực cắt giảm chi tiêu và tình trạng nghèo đói gia tăng.
Ngoài ra, khi dòng tiền nhà đầu tư "chảy" khỏi các quốc gia này đã đẩy giá trị tiền tệ ở Nam Phi, Indonesia và Thái Lan giảm xuống, các hộ gia đình, doanh nghiệp phải trả nhiều hơn cho các mặt hàng nhập khẩu chính như thực phẩm và nhiên liệu. Cuộc chiến mà Nga "châm ngòi" ở Ukraine đã làm gia tăng tất cả những nguy cơ này.
Nga và Ukraine là những nước lớn xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Từ Ai Cập đến Lào, các quốc gia có truyền thống phụ thuộc vào nguồn cung cấp lúa mì của hai quốc gia này đã phải chịu chi phí tăng cao.
| Viễn cảnh suy thoái kinh tế thế giới Kinh tế toàn cầu sáu tháng đầu năm 2022 không thuận lợi như kỳ vọng tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro mới. |
| WB nhận định, Việt Nam đang ngày càng chứng kiến nhiều tác động của biến đổi khí hậu lên sự phát triển của đất nước ... |