📞

Kinh tế trên đà 'khởi sắc'

Hà Nguyễn 09:40 | 01/11/2021
Dù chưa thật sự rõ nét, song các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy, ngay khi được mở cửa trở lại, nền kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc.
Quay trở lại trạng thái "bình thường mới", nền kinh tế đang dần có dấu hiệu khởi sắc. (Nguồn: Nhà báo và Công luận)

Dấu hiệu của sự khởi sắc

Các dấu cộng đã bắt đầu được đặt trước các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 10/2021 và điều đó cho thấy, nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc.

Thậm chí, khi công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2021, Tổng cục Thống kê còn khẳng định rằng, sản xuất công nghiệp trong tháng đã “khởi sắc” khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng, hoạt động sản xuất - kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới.

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 ước tăng 6,9% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Con số này cao hơn tốc độ tăng 2,6% của cùng kỳ năm 2020.

Không chỉ là sản xuất công nghiệp, có thể viện dẫn một loạt con số để chứng minh điều này. Số liệu về tình hình đăng ký thành lập mới doanh nghiệp có thể coi là một ví dụ điển hình.

Cụ thể, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 10/2021, cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký là 108.600 tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58.811 lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9/2021.

Đáng chú ý, trong tháng còn có 4.304 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,8% so với tháng trước. Đặc biệt, các địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương… đều ghi nhận sự phục hồi ấn tượng, với số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng nhanh.

Chẳng hạn, tại Bình Dương, theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 28/10, đã có 1.968 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đạt trên 96%.

Trong khi đó, ở Đồng Nai, trên 92% doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh đã khôi phục sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy hoạt động hết công suất.

“Ngay khi nền kinh tế mở cửa trở lại, thì hiệu ứng là tích cực, tín hiệu hồi phục đã có”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận xét.

Dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, trạng thái bình thường mới đang được thiết lập và đó là lý do khiến nền kinh tế khởi sắc. Không chỉ sản xuất - kinh doanh, mà cầu tiêu dùng cũng đang trong xu hướng tích cực.

Số liệu thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10/2021 ước tính đạt 357.900 tỷ đồng, tăng 18,1% so với tháng trước.

Cả xuất khẩu hàng hóa cũng tích cực hơn, với kim ngạch ước đạt 27,3 tỷ USD trong tháng 10/2021, tăng 1% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng nhờ vậy, xuất siêu quay trở lại, với 1,1 tỷ USD trong tháng 10/2021 và đây là một điểm sáng của nền kinh tế, cho thấy sự phục hồi của doanh nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Kiên trì chờ đợi

Những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế dù đã bắt đầu xuất hiện, song khó khăn phía trước còn rất lớn. Các thành viên của Tổ Điều hành kinh tế vĩ mô 1317 khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đều có chung nhận định như vậy.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), dù IIP tháng 10/2021 đã tăng trở lại so với tháng trước, nhưng vẫn giảm hơn 1,6% so với cùng kỳ. Hơn thế, nếu tính chung 10 tháng, IIP chỉ tăng 3,3%, cao hơn mức tăng 2,6% của cùng kỳ năm trước, song xu hướng giảm tốc vẫn tiếp tục. 9 tháng, IIP tăng 4,1%.

“Điều đáng quan tâm hiện nay là tổng cầu yếu. Tuy tháng 10/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ có tăng so với tháng trước, song vẫn giảm tới 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính chung 10 tháng, mức giảm là 8,6%, loại trừ yếu tố giá cả, thì giảm tới 10,3% so với cùng kỳ năm trước”, ông Lê Trung Hiếu nói.

Điều ông Hiếu băn khoăn là tổng cầu yếu sẽ không hỗ trợ sản xuất - kinh doanh. Có lẽ, đó cũng là lý do mà số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 10 tháng vẫn tiếp tục giảm. Cụ thể, tính chung 10 tháng, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 129.055 doanh nghiệp, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 97.089 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2020.

“Trong 2 tháng cuối năm, việc có thể vực dậy nền kinh tế được hay không phụ thuộc rất lớn vào kiểm soát dịch bệnh, cũng như sự trở lại của người lao động”, ông Hiếu nhận xét.

Trong khi đó, ý kiến từ Bộ Công thương cho rằng, tình hình xuất khẩu đang dần khả quan hơn, với kim ngạch xuất khẩu sang một loạt thị trường như Mỹ, Chile, Canada, Mexico đang tăng trưởng rất tích cực.

Số liệu thống kê cho thấy, lượng hàng hóa còn tồn trong kho của các doanh nghiệp đã tăng tới 28%. Nếu nguồn hàng này nhanh chóng được giải phóng, thì kim ngạch xuất khẩu trong những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tích cực.

Trong khi đó, Bộ Tài chính kỳ vọng vào việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Chúng ta phải kiên trì chờ đợi trong 2 tháng cuối năm. Khi trạng thái bình thường mới được thiết lập, các hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa khôi phục trở lại, thì nền kinh tế sẽ có những diễn biến tích cực hơn”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Thực tế, sau khi ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, Chính phủ cũng đã công bố một loạt chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cộng thêm đó, một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế đang được xây dựng. Đây là những động thái quan trọng giúp kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn và bắt đầu bước vào quỹ đạo phục hồi.