Kinh tế Trung Quốc đang 'hạ nhiệt'. Hình ảnh một khu chợ bán buôn ở Tế Nam, Trung Quốc. (Nguồn: NYTimes) |
Hôm nay (15/7), Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) báo cáo rằng, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2021 của quốc gia này đạt 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với ước tính.
Mặc dù tốc độ đó vẫn mạnh hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng lại "hạ nhiệt" hơn rõ rệt so với mức tăng 18,3% mà nền kinh tế đạt được trong 3 tháng đầu năm nay.
Phục hồi kinh tế không cân bằng
Dữ liệu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý II/2021 có thể báo hiệu giới hạn của sự phục hồi sau đại dịch Trung Quốc.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết trong một cuộc họp báo ngay trước khi dữ liệu mới nhất được công bố, Trung Quốc đã có tốc độ phục hồi rất nhanh trong năm 2020 và sẽ rất khó để duy trì tốc độ đó.
Ngân hàng Barclays cũng cho biết, Trung Quốc dường như đã ổn định trong phạm vi tăng trưởng hàng năm mới từ 5-5,5%. Mặc dù tốt hơn đáng kể so với mức tăng trưởng ở hầu hết các nước phương Tây, nhưng con số này lại chậm hơn mức tăng trưởng từ 6-6,5% mà Trung Quốc đạt được trước đại dịch Covid-19.
Phát ngôn viên của NBS Liu Aihua cũng nhận đinh: "Kinh tế Trung Quốc phục hồi không cân bằng. Cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để củng cố nền tảng cho sự phục hồi ổn định.
Tin liên quan |
Những 'con hổ châu Á' đang đi về đâu? |
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một môi trường trong nước và quốc tế phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng giá hàng hóa, gây áp lực chi phí đáng kể lên hoạt động kinh doanh. Cần phải xử lý đúng cách rủi ro và giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển".
Nhà kinh tế chính của The Economist Intelligence Unit Yue Su cho rằng, nhu cầu trong nước vẫn là yếu tố liên kết.
Theo NBS, doanh số bán lẻ đã tăng 12,1% trong tháng 6/2021 so với một năm trước đó. Trong đó, doanh số bán ô tô đã giảm mạnh và các đợt bùng phát đại dịch Covid-19 mới ở Quảng Đông đã khiến các khu dân cư lớn buộc phải hạn chế tụ tập và hạn chế đi lại.
Song song với đó, doanh số bán lẻ cũng bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm trong ngành du lịch và các ngành dịch vụ.
Du lịch đường sắt, bao gồm cả tàu cao tốc hiện là hình thức du lịch liên tỉnh thống trị của Trung Quốc, đã giảm 19,9% trong tháng 6/2021 so với cùng tháng năm 2019, thời điểm trước đại dịch. Ngược lại, lưu lượng hành khách di chuyển bằng đường sắt chỉ giảm 4,5% trong tháng 5/2021 so với hai năm trước đó.
Bà Yue nhấn mạnh: "Dữ liệu GDP quý II/2021 của Trung Quốc tiếp tục cho thấy sự phục hồi không đồng đều của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Doanh số bán lẻ vẫn chưa phục hồi theo xu hướng đã thấy trước đại dịch. Việc phục hồi nhu cầu trong nước sẽ là một thách thức, vì các hộ gia đình vẫn đang gặp khó khăn".
Tình trạng thất nghiệp cũng đáng lo ngại. Tỷ lệ thất nghiệp thành thị giữ ổn định ở mức 5% trong tháng 6/2021, không thay đổi so với tháng trước. Nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã tăng lên, lên tới 15,4% đối với những người trong độ tuổi từ 16-24 vào cuối tháng 6, so với mức 13,6% của 3 tháng trước đó.
Phát ngôn viên Liu nhấn mạnh: "Chúng tôi thực sự đang phải đối mặt với áp lực việc làm lớn. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học đạt kỷ lục mới với gần 9,1 triệu người trong năm nay. Trung Quốc phải tiếp tục ưu tiên ổn định việc làm và tạo thêm nhiều việc làm”.
Tín hiệu đáng lo ngại
Gần đây, chính phủ Trung Quốc đã gửi một loạt tín hiệu cho thấy, tăng trưởng kinh tế có thể gặp khó khăn. Thủ tướng Lý Khắc Cường đã tổ chức 3 cuộc họp cấp cao chỉ trong tuần qua về sức khỏe của nền kinh tế và đặt ra một loạt các biện pháp để duy trì tăng trưởng.
Điều quan trọng nhất trong số các biện pháp này là sự thay đổi chính sách của ngân hàng trung ương. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 50 điểm cơ bản đối với các tổ chức tài chính đủ điều kiện kể từ ngày 15/7 nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Việc cắt giảm RRR sẽ được áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính trừ những tổ chức đã nắm giữ tỷ lệ này ở mức 5%. Quyết định này có khả năng "giải phóng" 1.000 tỷ Nhân dân tệ (khoảng hơn 154 tỷ USD) trong các quỹ dài hạn.
Về lý thuyết, động thái này giúp các ngân hàng cho vay nhiều hơn, điều này có thể kích thích đầu tư kinh doanh và chi tiêu của người tiêu dùng.
Tin liên quan |
Trung Quốc đối mặt 'cơn gió ngược' khi cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc |
Song song với đó, giá hàng hóa cao kỷ lục đã đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Trong khi đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng do tồn đọng hàng hóa tại các cảng lớn và sự thiếu hụt năng lượng đã kìm hãm hoạt động sản xuất của nhà máy tại Trung Quốc.
Tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang chậm lại, do đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở miền Nam Trung Quốc và các biện pháp ngăn chặn sau đó cũng hạn chế hoạt động kinh doanh và tiêu dùng của người dân Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với một núi nợ chồng chất.
Và theo dữ liệu của China Beige Book, một cuộc khảo sát hàng quý về các doanh nghiệp trên khắp Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, trong những tuần gần đây, các nhà bán lẻ đã trở nên thận trọng trong việc vay vốn. Các công ty lo sợ rằng, họ có thể không trả được các khoản vay bổ sung.
Vẫn trong mục tiêu
Theo trang CNN, cho dù sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang "hạ nhiệt", Trung Quốc vẫn đang trên đà vượt mục tiêu tăng trưởng.
Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu của JP Morgan Asset Management khẳng định: “Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi, với mục tiêu tăng trưởng 6% hàng năm trong tầm tay. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng đó vào đầu tháng 3/2021 bởi nền kinh tế phải trở lại đúng hướng với các mục tiêu dài hạn của Chủ tịch Tập Cận Bình".
Trung Quốc cũng đã có một số tín hiệu vui khác trong thời gian gần đây. Đơn cử như Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết, Trung Quốc đã tiêm 1,4 tỷ liều vaccine Covid-19, đồng nghĩa với việc quốc gia này đã tiêm vaccine ít nhất một liều, cho một nửa dân số.
Đầu tuần này, Bắc Kinh cũng công bố, xuất khẩu đã tăng hơn 30% trong tháng 6/2021 so với cùng kỳ năm 2019, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất là rất mạnh.
Chiến lược gia Zhu nói: "Nhu cầu bên ngoài ổn định có thể giúp bù đắp một số áp lực trong nước và hỗ trợ tăng trưởng chung, ngay cả khi tăng trưởng xuất khẩu mạnh có vẻ không bền vững".
Các nhà kinh tế tại HSBC Global Research cũng nhận định, bất chấp sự chậm lại, tăng trưởng vẫn đang đi đúng hướng, với sự tái cân bằng hướng tới tăng trưởng dựa trên nhu cầu tư nhân.
Việc cắt giảm yêu cầu dự trữ của các ngân hàng nên được coi là sự hỗ trợ cho "các mắt xích yếu trong sự phục hồi tăng trưởng", chứ không phải là dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh đảo ngược chính sách tiền tệ nhằm ngăn chặn đà tăng trưởng đang chậm lại.
| Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,9% trong quý II/2021 Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý II/2021 của Trung Quốc đạt 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. |
| 'Vạn Lý Trường Thành' của nền kinh tế Trung Quốc Trong bài viết trên trang mạng Project Syndicate, cựu Bộ trưởng Tài chính Anh Jim O'Neill đã ví những thách thức mà Trung Quốc đang ... |