Bắc Kinh đã triển khai phát triển một hệ thống năng lượng mới thông qua nỗ lực đẩy nhanh quá trình khử cacbon và giảm thiểu ô nhiễm nhằm thực hiện "chuyển đổi sinh thái" trong những năm tới, để duy trì tăng trưởng xanh, đồng thời dẫn đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Kinh tế Trung Quốc: Mở đường mới chiếm vị trí dẫn đầu trong cuộc đua năng lượng sạch. Ảnh: Cánh đồng turbine gió. (Nguồn: VCG) |
"Vùng nước xanh và những ngọn núi tươi tốt"
Ngày càng có nhiều người Trung Quốc nhận ra rằng, chỉ có “Vùng nước xanh và những ngọn núi tươi tốt là tài sản vô giá”. Nó đang dẫn trở thành một triết lý được nhiều người đồng thuận trong xã hội. Chỉ có sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên mới bền vững lâu dài và nó phải là một sứ mệnh nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể của quốc gia.
Giới quan sát Trung Quốc bình luận, trái ngược với cam kết rút lui khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu của chính phủ Mỹ dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, hay các biện pháp và cam kết chưa được hiện thực hóa của chính phủ Tổng thống đương nhiệm Joe Biden, Trung Quốc có dũng khí chính trị, động lực về kinh tế, năng lực công nghệ và cả sự đồng thuận về để dẫn đầu động lực tăng trưởng năng lượng tái tạo và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cộng đồng quốc tế có thể yên tâm rằng, Trung Quốc thực sự quan tâm đến việc dẫn đầu thế giới về triển khai và đầu tư vào năng lượng tái tạo. Trong thập kỷ qua, quốc gia này đã dẫn đầu thế giới trong việc mở rộng việc thâm nhập và sử dụng năng lượng tái tạo. Trung Quốc sở hữu 5 trong tổng số 6 công ty sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, cũng như nhà sản xuất tuabin gió lớn nhất thế giới.
Sau một thập kỷ nỗ lực hạn chế ô nhiễm không khí và tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, ngày càng nhiều thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu, Thâm Quyến và các siêu đô thị khác, đã đạt tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc gia.
Ở Bắc Kinh, mức trung bình hàng năm của vật chất mịn, hay bụi mịn PM2.5, đã giảm xuống còn 29 microgam /m3 vào năm 2021 - thấp hơn mức tiêu chuẩn quốc gia đặt ra là 35 microgam/m3 và chưa bằng một nửa so với một thập kỷ trước. Người dân Bắc Kinh hiện nay đã được tận hưởng thêm những tháng bầu trời trong xanh so với những năm trước.
Việc nhiều khu vực của Trung Quốc đã chứng kiến sự cải thiện đáng kể về chất lượng không khí trong 10 năm qua cho thấy những nỗ lực bền vững của Bắc Kinh trong việc chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang năng lượng sạch và theo đuổi phát triển kinh tế chất lượng cao hơn đang ngày càng có kết quả.
Dựa trên sự sẵn có về năng lượng và tài nguyên của đất nước, Trung Quốc đã chủ động với kế hoạch đạt đỉnh lượng carbon vào năm 2030 và đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060. Triển khai rộng rãi năng lượng tái tạo là một phần chính trong nỗ lực lớn hơn của chính phủ, nhằm phát triển một "nền văn minh sinh thái". Mục tiêu cũng sẽ được hỗ trợ thực hiện bởi cách tiếp cận trong các ngành công nghiệp, nhằm giảm mức độ ô nhiễm và giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ngoài việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.
Theo kế hoạch của chính phủ Bắc Kinh, đến năm 2030, ít nhất 1/5 lượng điện tiêu thụ của Trung Quốc sẽ đến từ các nguồn nhiên liệu không hóa thạch. Hiện tại, tỷ trọng của năng lượng không hóa thạch - gió, mặt trời, thủy điện, sinh khối và điện hạt nhân - trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp đã tăng từ 9,7% năm 2012 lên 16,6% năm 2021, trong khi tỷ trọng điện gió và điện mặt trời trong năng lượng hỗn hợp của đất nước tăng từ 2,1% năm 2012 lên 11,7% vào cuối năm 2021.
Trong những năm qua, quốc gia này đã mở rộng quy mô sản xuất năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, gió và điện hạt nhân, để thay thế việc sử dụng than và dầu, tạo ra hàng triệu việc làm trong quá trình chuyển đổi này.
Một mũi tên trúng 3 đích
Khởi đầu với việc ban hành Luật Năng lượng tái tạo vào năm 2005, trong đó thể chế hóa các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi sang năng lượng sạch, tái tạo.
Hướng dẫn Danh mục Công nghiệp 2017 của Bộ Thương mại về Đầu tư nước ngoài liệt kê năng lượng tái tạo là lĩnh vực được khuyến khích đầu tư nước ngoài, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài.
Và Kế hoạch hành động phòng chống và kiểm soát ô nhiễm không khí năm 2013 của chính phủ Trung Quốc cam kết giảm tỷ trọng than trong cơ cấu năng lượng của đất nước xuống dưới 65% vào năm 2018, đồng thời cắt giảm mạnh việc sử dụng than ở các tỉnh và khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao.
Kế hoạch Hành động cũng tăng cường kiểm soát ô nhiễm và cải thiện việc thực thi pháp luật trong các ngành công nghiệp gây ô nhiễm chính như phát điện, công nghiệp nặng và sản xuất ô tô. Do đó, nhiều chính quyền địa phương đã tăng cường nỗ lực, yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa các hoạt động gây ô nhiễm nặng và thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn kiểm soát ô nhiễm.
Đồng thời, tại các vùng nông thôn phía Bắc rộng lớn của Trung Quốc, chính phủ đã phát động một chương trình thay thế than bằng khí đốt tự nhiên và điện để sưởi ấm trong nhà vào mùa Đông. Một số tỉnh và khu vực đã khuyến khích các hộ gia đình nông thôn lắp đặt các tấm pin quang điện mặt trời như một phần của sáng kiến xóa đói giảm nghèo.
Kết quả của những nỗ lực này, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và năng lượng gió của Trung Quốc đã trở thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới và cơ cấu năng lượng của nước này bắt đầu chuyển dịch sang năng lượng sạch tái tạo. Chẳng hạn, tỷ trọng than trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp giảm từ 68,5% năm 2012 xuống 56,1% năm 2021 và than có khả năng chỉ chiếm dưới một nửa tổng tiêu thụ năng lượng vào năm 2026.
Khi việc triển khai năng lượng tái tạo tiếp tục gia tăng trên toàn cầu, sự liên kết giữa khả năng của đất nước và các khuyến khích của chính phủ để đầu tư vào lĩnh vực này đã càng khẳng định vị trí đẫn đầu của Trung Quốc cho tương lai của ngành năng lượng xanh.
Một phân tích đã trích dẫn, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất trong các đổi mới công nghệ cacbon thấp - 260 tỷ USD đầu tư vào năm 2021 chủ yếu được phân bổ cho năng lượng tái tạo và xe điện.
Kết quả là, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về phát triển, sản xuất xe điện và năng lượng mới, điều này bổ sung đáng kể vào khả năng cạnh tranh công nghiệp của Trung Quốc trên thế giới, đồng thời tạo ra tới 3 triệu việc làm với mức lương cao ở nền kinh tế này.
Khi Trung Quốc đã trở thành một trong những nhà phát triển hàng đầu thế giới về công nghệ tái tạo và năng lượng sạch, lợi ích chiến lược của việc đầu tư vào Trung Quốc còn là hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc, các kỹ thuật viên trong nghiên cứu và phát triển.
Kinh nghiệm chuyển đổi sang năng lượng sạch kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc cho thấy, việc triển khai đúng hướng là “mũi tên trúng 3 cái đích”, hoàn toàn có thể mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế, vừa bảo vệ tốt hơn môi trường sinh thái, vừa cải thiện sinh kế của người dân.