Người dân chọn mua hàng tại một siêu thị ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Tháng trước, Trung Quốc bất ngờ nơi lỏng các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19. Các nhà phân tích cảnh báo, quốc gia này có thể phải đối mặt với con đường gập ghềnh để mở cửa trở lại hoàn toàn.
Nhưng hiện tại, các nhà phân tích này lại kỳ vọng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi sớm hơn dự báo trước đó. Và các yếu tố làm nền tảng cho sự tăng trưởng đó gần như chắc chắn sẽ khác so với ba năm trước.
Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư hàng đầu Trung Quốc CICC cho biết, mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đang chuyển từ phụ thuộc nhiều vào bất động sản và cơ sở hạ tầng sang nền kinh tế xanh và kỹ thuật số.
Theo ước tính của CICC, trong 5 năm tới, đầu tư tích lũy vào nền kinh tế kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng hơn 7 lần, đạt 77,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 11,13 nghìn tỷ USD).
Báo cáo của CICC cho biết, trong năm 2021 và 2022, bất động sản là hạng mục đầu tư lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng năm 2022, đầu tư vào bất động sản đã giảm khoảng 22% so với năm ngoái, trong khi đầu tư vào lĩnh vực kỹ thuật số và xanh lần lượt tăng khoảng 24% và 14%.
Kỳ vọng vào thị trường ASEAN
Trong khi phần lớn thế giới phải vật lộn để ngăn chặn Covid-19 vào năm 2020 và 2021, thì việc Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát virus SARS-CoV-2 đã giúp các doanh nghiệp trong nước đáp ứng nhu cầu toàn cầu đối với các sản phẩm y tế và điện tử. Nhưng hiện tại, nhu cầu đang giảm.
Theo Wind Information, xuất khẩu của Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 10/2022 - lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020.
Nhà kinh tế trưởng Hui Shan của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nhận định, việc xuất khẩu giảm sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm tới. Khu vực xuất khẩu đã hỗ trợ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong vài năm qua, đóng góp tới 1,7 điểm phần trăm vào năm 2021.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tăng lên.
Nhà kinh tế Trung Quốc Xiaowen Jin của Ngân hàng Citi cho hay: “Xuất khẩu sang các nước ASEAN có thể đóng vai trò như một bước đệm nhẹ trước những áp lực tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ".
Ông Jin chỉ ra rằng, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc, đặc biệt là ô tô điện và các bộ phận liên quan, đã giúp hỗ trợ khu vực xuất khẩu trong năm nay. Bắc Kinh đã nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô điện. Nhiều hương hiệu như Nio và BYD đã bắt đầu bán xe sang khu vực châu Âu và nhiều quốc gia khác.
Nhu cầu của người tiêu dùng sẽ quay trở lại?
Nhà kinh tế trưởng Hao Zhou tại Guotai Junan Securities cho rằng, xuất khẩu giảm tốc nhanh chóng cũng có nghĩa là Trung Quốc cần khai thác thị trường nội địa để tăng trưởng trong tương lai gần.
Nhà kinh tế này nhận thấy: “Với việc nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19, tiêu dùng có thể sẽ phục hồi bền vững. Doanh số bán lẻ sẽ tăng 6,8% và tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt 4,8% trong năm tới".
Chính phủ Trung Quốc mới đây cũng công bố sẽ ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Nhiều chính sách kích cầu tiêu dùng đã được ban hành và bước đầu giúp lĩnh vực tiêu dùng ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Đơn cử như chính quyền TP. Quảng Châu đã bắt đầu phân phát các phiếu mua sắm và quà tặng với tổng trị giá 30 triệu Nhân dân tệ (tương đương 4,3 triệu USD) dành cho 5 lĩnh vực tiêu dùng, trong đó có mua sắm hàng hóa, ăn uống và lưu trú.
Trong khi đó, tại Thâm Quyến, chính quyền đã tiến hành chiến dịch thúc đẩy mua sắm mới bằng cách hỗ trợ cư dân thành phố số tiền có mức trần là 2.000 Nhân dân tệ (tương đương 285 USD) đối với các mặt hàng điện tử và đồ gia dụng.
Kể từ năm 2020, doanh số bán lẻ đã giảm tốc đáng kể, trong khi đó, một tỷ lệ kỷ lục người dân của nước này ưu tiên tiết kiệm.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng cho rằng, tiêu dùng sẽ là động lực chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2023. Ngân hàng này nâng dự báo GDP của Trung Quốc năm 2023 từ 4,5% lên 5,2%, do nền kinh tế mở cửa trở lại sớm hơn dự kiến.
Tuy nhiên, Goldman Sachs cũng cảnh báo rằng, thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng sẽ cần thời gian để hồi phục. Bất kỳ đợt giải phóng “nhu cầu bị dồn nén” nào trong năm tới đều có thể bị hạn chế bởi những tác động từ bên ngoài.