Kinh tế Trung Quốc đứng trước nhiều bất ổn và khó khăn gia tăng. Trong ảnh: Đường phố Bắc Kinh. (Ảnh: Linh Chi) |
So với quý trước, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 0,7% trong tháng 4-6/2024, thấp hơn dự báo tăng 1,1% và so với mức tăng 1,5% được điều chỉnh của quý trước.
Các nhà phân tích dự đoán, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải thực hiện thêm các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế giữa lúc thị trường bất động sản suy giảm, nợ chính quyền địa phương gia tăng và chi tiêu của khu vực tư nhân yếu.
Các nhà phân tích tại Citi Bank cho biết, trước khi dữ liệu trên được công bố, nhu cầu trong nước suy yếu có thể tiếp tục gây áp lực lên lạm phát và bắt đầu làm suy giảm hoạt động sản xuất.
Tất cả sự chú ý có thể đổ dồn vào hội nghị toàn thể lần thứ ba và cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc trong tháng 7 này.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm 2024 - một mục tiêu mà nhiều nhà phân tích cho là tham vọng và có thể yêu cầu nhiều biện pháp kích thích hơn.
Trang web của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, mục tiêu nói trên là “khó đạt được” trong nửa đầu năm nay vì các doanh nghiệp đang chịu áp lực tương đối lớn và các khu vực kinh tế then chốt đang đối mặt với nhiều rủi ro.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý 2 cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngắn hạn như thời tiết cực đoan và lũ lụt.
Để đối phó với nhu cầu trong nước yếu kém và khủng hoảng bất động sản, thời gian qua, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và đổ tiền vào sản xuất công nghệ cao.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 không đồng đều, với sản lượng công nghiệp vượt tiêu dùng trong nước, làm dấy lên nguy cơ giảm phát trong bối cảnh thị trường bất động sản suy giảm và nợ chính quyền địa phương gia tăng.
Trong khi đó, giá tiêu dùng tháng 6/2024 đã tăng trong tháng thứ năm liên tiếp, song không đạt kỳ vọng, trong khi giảm phát nhà máy vẫn tiếp diễn, do các biện pháp của chính phủ chưa đạt hiệu quả đáng kể để có thể thúc đẩy nhu cầu trong nước.