Nền kinh tế thứ hai thế giới thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ trước những bất ổn gia tăng do các cú sốc thường xuyên từ bên ngoài. (Nguồn: VCG) |
Số liệu kinh tế công bố mới nhất cho thấy, GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng 3,9% trong quý III so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu mới nhất giúp nâng tăng trưởng cả năm lên 3%. Mục tiêu của Bắc Kinh năm nay là 5,5%. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đánh giá, nền kinh tế “đã vượt qua” ảnh hưởng tiêu cực từ “nhiều cú sốc bất ngờ”. Các chỉ số chính “đã phục hồi và ổn định trong ngưỡng hợp lý”.
Nỗ lực-thận trọng-có mục tiêu
Quý II/2022, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4%. Nhiều định chế tài chính thế giới dự báo không lạc quan, tuy nhiên, một số số liệu được công bố khá khả quan như sản lượng công nghiệp tăng 6,3%, vượt xa dự báo là 4,5%, đầu tư vào tài sản cố định tăng 5,9% trong chín tháng đầu năm, tương đương dự báo.
Xét về ba ngành nghề chính, kinh tế tăng trưởng trong quý III chủ yếu nhờ sự thúc đẩy của nhóm ngành công nghiệp và ngành dịch vụ, trừ nhóm ngành nông nghiệp giảm so với quý trước. Cụ thể, giá trị gia tăng của nhóm ngành công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng GDP nói chung và tăng 4,3 điểm phần trăm so với quý II, phản ánh sự phục hồi nhanh chóng của sản xuất công nghiệp. Giá trị gia tăng của ngành dịch vụ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2021, tuy thấp hơn mức tăng GDP nói chung, nhưng đã tăng 3,2 điểm phần trăm so với quý II.
Tuy nhiên, đánh giá từ số liệu một số khoản mục, sự hỗ trợ thực tế đối với nền kinh tế Trung Quốc trong quý III chưa thật sự tốt. Tiêu thụ trong nước vẫn thấp, doanh số bán lẻ tháng Chín tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn tháng Tám và không đạt dự báo -3,3%.
Theo giới quan sát, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tiêu dùng-trụ cột lớn nhất hỗ trợ kinh tế Trung Quốc bị tổn thương nghiêm trọng, chi tiêu của chính phủ giảm và chi tiêu của hộ gia đình cũng bị thu hẹp.
Doanh nghiệp phải đóng cửa khiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức tương đối cao, trong ba quý đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở thành thị là 5,5%, trong đó tỷ lệ trung bình trong quý III là 5,4%. Riêng với nhóm người trẻ, độ tuổi 16-24, con số này là 17,9%.
Chuyên gia Raymond Yeung, Nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại ANZ nhận định, các số liệu trên cho thấy “một chút lạc quan bất ngờ”, chủ yếu nhờ lĩnh vực sản xuất. Ông cho rằng, kết quả này sẽ càng củng cố lập trường chính sách của chính phủ Trung Quốc là “nỗ lực, thận trọng, có mục tiêu”.
Vượt lên kỳ tích, bước vào giai đoạn phát triển mới
Trong thập kỷ đầu tiên của kỷ nguyên mới, Trung Quốc đã đạt được kỳ tích lịch sử về phát triển kinh tế, với quy mô tăng trưởng GDP từ 54.000 tỷ NDT (7.390 tỷ USD) vào năm 2012 bật lên 114.000 tỷ NDT (15.600 tỷ USD) vào năm 2021, chiếm tỷ trọng trong nền kinh tế thế giới tăng từ 11,3% lên 18,5%. GDP bình quân đầu người tăng từ 6.300 USD lên hơn 12.000 USD. Trung Quốc trở thành cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới, với giá trị gia tăng từ 17.000 tỷ NDT (2.300 tỷ USD) lên 31.400 tỷ NDT (4.300 tỷ USD), tăng từ 22,5% lên gần 30% tổng giá trị sản xuất của thế giới. Chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại, Trung Quốc đã xóa bỏ nghèo đói cho toàn bộ 832 huyện và gần 100 triệu dân.
Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc đang trải qua giai đoạn có mức tăng trưởng thấp hiếm thấy trong nhiều thập kỷ gần đây, đặc biệt là kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tăng lên đỉnh điểm và sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, nền kinh tế đã đến giai đoạn phát triển rất quan trọng, nếu phát triển tốt thì có thể thuận lợi vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” và tiếp tục bước lên, đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập cao, nhưng nếu thực hiện không tốt thì có thể rơi vào “bẫy” trì trệ, thụt lùi.
Mặc dù vậy, không những còn dư địa lớn để tiến lên bằng hoặc hơn các nước phát triển, theo nhận định của giới chuyên gia, Trung Quốc còn có “độc quyền” mà các nước khác không có. Nền kinh tế này có 1,4 tỷ người, nhu cầu thiết yếu về cuộc sống, thực phẩm, đồ uống, mua sắm và du lịch của mọi người đều là kinh tế. Đây là một thị trường khổng lồ và cũng là động cơ kinh tế vô cùng mạnh.
Trên thực tế, trước những bất ổn gia tăng do các cú sốc thường xuyên từ bên ngoài, Trung Quốc đã thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ, nhờ “sức mạnh đồng bộ”-hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng thuận tiện, thị trường trong nước mạnh mẽ và sự năng động của thị trường rộng lớn, từ đó còn góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
Năm 2020, GDP của Trung Quốc tăng 2,3%, là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương sau đại dịch. GDP của Trung Quốc tăng 8,1% vào năm 2021, tiếp tục nằm trong số các nền kinh tế lớn hoạt động tốt nhất.
Trong diễn văn Đại hội XX, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của sức mạnh kinh tế và tuyên bố quốc gia này đã gia nhập nhóm những nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất thế giới, nhờ đẩy nhanh tự lập, tự cường về công nghệ, số vốn đầu tư cho nghiên cứu phát triển tăng 2,8 lần từ 1.000 tỷ NDT (138 tỷ USD) lên 2.800 tỷ NDT (386 tỷ USD), đứng thứ hai thế giới, số lượng người hoạt động nghiên cứu và phát triển đứng đầu thế giới.
Trung Quốc đã tạo đột phá về một số công nghệ cốt lõi, then chốt; các dự án vũ trụ có người lái, thám hiểm Mặt trăng, sao Hỏa, siêu máy tính, vệ tinh dẫn đường... thu được thành quả quan trọng. Các hạt nhân công nghệ trong nền kinh tế như Alibaba, Tencen, Baidu, Bytedance… đã vươn tầm trở thành các doanh nghiệp quy mô toàn cầu, có tầm cỡ sánh ngang, thậm chí vượt các đối thủ Mỹ và phương Tây.