Năm 2022 là một năm bản lề đối với Việt Nam trên nhiều phương diện hoạt động kinh tế. 12 tháng qua bắt đầu với việc giải quyết các thách thức liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng, kiểm soát dịch bệnh và hạn chế đi lại, cũng như nhu cầu giảm từ các đối tác nước ngoài và nhiều yếu tố bất định từ đại dịch Covid-19.
Có thể nói năm 2022 là một phép thử kinh tế: Liệu Việt Nam có thể phục hồi các hoạt động kinh tế cốt lõi về mức trước Covid-19 hay không? Các doanh nghiệp và nhà quản lý tại Việt Nam đã tiếp thu và triển khai được những bài học kinh nghiệm từ đại dịch hay chưa?
Câu trả lời thống nhất cho những câu hỏi này là “có”: Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn trong năm 2022. Các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực đã trở nên linh hoạt hơn và cạnh tranh hơn trong khu vực và trên toàn cầu.
Quả thực, Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới đầy thách thức. Có thể thấy Việt Nam không chỉ tăng trưởng tốt trong đại dịch Covid-19 mà còn vượt trội so với các nước khác trong khu vực vào năm 2022.
Xét theo GDP, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng 8,8% trong 9 tháng đầu năm 2022. Tốc độ tăng trưởng thậm chí còn tăng tốc trong suốt năm 2022, với đỉnh điểm là mức tăng 13,7% trong quý 3 năm nay. Kết quả này củng cố vị trí hàng đầu của Việt Nam ở châu Á trong 12 tháng qua và là lý do tại sao Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) gọi Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.
Sự phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 trong suốt cả năm không phải là điều hiển nhiên. Để giải quyết áp lực lạm phát đến từ chi phí năng lượng tăng và giá hàng hóa và thực phẩm tăng, Chính phủ đã quyết định tăng lãi suất trong những tháng qua.
Tăng trưởng kinh tế nhanh trong môi trường lãi suất cao là một thành tựu đáng nể: lãi suất cho vay cao thường đi kèm với đầu tư giảm và tiêu dùng giảm. Tại sao Việt Nam có thể tăng trưởng trong môi trường lạm phát và lãi suất cao như vậy?
Quyết sách kịp thời, toàn diện, hiệu quả
Khu vực công và tư nhân của Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng chiến lược sống chung với Covid-19, giảm bớt các hạn chế về đại dịch cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời chứng kiến mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội được Chính phủ giới thiệu vào đầu năm 2022 rất kịp thời.
Chương trình này tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, CNTT, chuyển đổi số và các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Chương trình này không chỉ tạo ra việc làm mà còn giúp các ngành nghề hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời giải quyết các yếu tố thúc đẩy năng suất, chẳng hạn như logistics và số hóa doanh nghiệp và chính phủ.
Chiến dịch tiêm chủng thành công và nỗ lực thích ứng với trạng thái “bình thường mới” là cơ sở chính cho sự bùng nổ mở cửa trở lại nhanh chóng vào năm 2022 khi hơn 90% số người trưởng thành đã được tiêm chủng. Nhờ đó mở đường cho sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch quốc tế, sản xuất và bán lẻ.
Nói chung, phần lớn tăng trưởng kinh tế là nhờ chi tiêu của hộ gia đình và chính phủ tăng 7,3% trong 9 tháng đầu năm 2022, đóng góp một phần lớn vào tốc độ tăng trưởng chung. Tiêu dùng hộ gia đình tăng, báo hiệu niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục tăng trong suốt cả năm.
Các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra biện pháp kích thích kinh tế phù hợp lấy cảm hứng từ học thuyết Keynes, cụ thể là gia tăng chi tiêu công để đẩy mạnh cung cấp việc làm và đảm bảo thu nhập trước nguy cơ suy thoái kinh tế.
Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát ở mức 3,8%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo cho các nền kinh tế mới nổi là 8,7% cho năm 2022. Tỷ lệ lạm phát thấp hơn này phần lớn là do hoạt động sản xuất và nguồn cung trong nước dồi dào – đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp – giúp giá lương thực không bị tăng cao theo xu hướng toàn cầu. Giá thịt lợn trong nước cùng với nhiều loại sản phẩm thực phẩm trong nước khác thậm chí còn giảm.
Năm 2022 cũng khẳng định bước chuyển quan trọng trong hành vi của người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam đã thể hiện rằng họ rất sẵn sàng chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến.
Theo số liệu khảo sát, hiện nay có gần 60% người dân Việt Nam cân nhắc mua sắm trực tuyến vì sự tiện lợi của nó. Một khi những hành vi kỹ thuật số mới này trở thành thói quen lâu dài, thương mại điện tử và tất cả các loại hình giao dịch kỹ thuật số khác dự kiến sẽ tiếp tục phát triển, góp phần thúc đẩy thị trường kinh doanh số và thanh toán số của Việt Nam.
Điều quan trọng không kém là các doanh nghiệp đã thích ứng với những hành vi tiêu dùng mới này bằng cách đẩy mạnh chuyển đổi số các quy trình và thậm chí cả mô hình kinh doanh. Vào năm 2022, chúng ta đã chứng kiến động thái của cộng đồng doanh nghiệp để tuân thủ theo “mệnh lệnh kỹ thuật số” này trên nhiều lĩnh vực.
Trong một báo cáo gần đây về sức hấp dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp, Việt Nam đã tăng 4 bậc lên vị trí thứ 5 ở Đông Nam Á. Kết quả này một phần là nhờ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt từ năm 2020 - chương trình này đã nâng cao nhận thức của các tổ chức công và tư nhân trong việc thực hiện các chiến lược và quy trình kỹ thuật số.
Hiệu ứng lan tỏa tích cực
Việt Nam đã thu hút mức vốn FDI cao kỷ lục trong 9 tháng đầu năm 2022, đạt 15,43 tỷ USD (Hình 3). Con số này thậm chí còn vượt xa mức cao nhất của giai đoạn trước Covid-19 (14,2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019). Tương tự, tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên vốn đăng ký cũng tăng từ 54,3% năm 2019 lên 82,3% năm 2022. Hoạt động FDI sôi nổi phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào tương lai kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Mặc dù mức FDI cao trong năm 2022 rất đáng chú ý, nhưng có lẽ điều thú vị hơn cả là tỷ lệ FDI dành cho các hoạt động công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao đã tăng. Nhiều nhà quan sát nhận xét rằng FDI vào các dự án sản xuất phức hợp hoặc nghiên cứu và phát triển (R&D) là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang giành được một khoản ngày càng lớn trong chuỗi sản xuất giá trị gia tăng toàn cầu.
Loại hình sản xuất này sẽ là động lực chính để Việt Nam tăng trưởng kinh tế-xã hội trong những thập kỷ tới. Không chỉ thu hút đầu tư vào những ngành sản xuất thâm dụng lao động và đơn giản (như dệt may), năm 2022 Việt Nam đã đón nhận những cam kết mạnh mẽ từ các nhà cung cấp của Samsung và Apple, thể hiện niềm tin ngày càng lớn vào khả năng nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động, tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu và thực hiện quản trị tốt xuyên suốt chuỗi cung ứng của các đối tác Việt Nam.
Một ví dụ điển hình cho sự dịch chuyển từ đầu tư vì sức lao động sang đầu tư vì kỹ năng là việc Foxconn – nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) lớn nhất và lâu đời nhất của Apple – đã thông báo đầu tư 300 triệu USD vào một nhà máy mới ở Bắc Giang. Tại đây, Foxconn dự kiến sẽ lắp ráp các sản phẩm MacBook.
Việc sản xuất những chiếc máy tính xách tay này đòi hỏi chuỗi cung ứng phức tạp hơn, công nhân sản xuất cần được đào tạo tốt hơn và máy móc cần có độ chính xác cao hơn so với việc sản xuất tai nghe nhét tai của Apple (bắt đầu từ năm 2020 cũng ở tỉnh Bắc Giang).
Những khoản đầu tư lớn gần đây đến từ phía các nhà cung cấp của Apple, Samsung, Lotte hay cả nhà sản xuất đồ chơi Lego của Đan Mạch là những tín hiệu đáng khích lệ cho tương lai của Việt Nam. Chắc chắn, những nhà đầu tư này sẽ mang lại tiền và tạo việc làm cho Việt Nam. Ngoài ra, một số nghiên cứu học thuật cũng chỉ ra rằng các hoạt động đầu tư này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với toàn bộ nền kinh tế.
Ví dụ, lực lượng lao động và nhân sự quản lý tại các doanh nghiệp này sẽ được đào tạo theo các thông lệ tốt nhất toàn cầu. Một số nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài thường thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước trở nên năng suất hơn nhờ áp lực cạnh tranh và hiệu quả tăng.
Ngoài ra, Việt Nam có thể hưởng lợi nhờ học hỏi từ những điển hình tốt về tăng cường tính minh bạch, đẩy mạnh chất lượng quản trị công ty và “trách nhiệm công dân” của doanh nghiệp (trách nhiệm với xã hội, văn hóa, môi trường xung quanh), cũng như các phương pháp sản xuất ít gây ảnh hưởng đến môi trường hơn.
Năm 2022 là một năm đáng chú ý đối với toàn thế giới. Rủi ro chính trị gia tăng mạnh với các cuộc xung đột vũ trang ở châu Âu làm gián đoạn thị trường phân bón, lúa mì và năng lượng, song song với đó là biến động đáng kể về giá cả hàng hóa và thị trường tài chính. Trong bối cảnh tương lai còn nhiều bất định, chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đang ứng phó tốt. Vừa là một đối tác đáng tin cậy, vừa thể hiện tính linh hoạt thực sự là một nhiệm vụ không hề dễ.
Nếu nhìn nhận một cách lạc quan dựa trên đà phát triển tích cực trong 12 tháng qua, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục thành công về kinh tế - xã hội trong năm 2023 mà không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi môi trường ngày càng bất định. Tuy nhiên, có lẽ những người giữ vai trò quản lý trong các tổ chức nên cân nhắc đến lời cảnh báo của Bill Gates, nhà đồng sáng lập Microsoft: “Thành công là một người thầy tồi tệ. Nó khiến ngay cả những người thông minh nghĩ rằng họ không thể thất bại”.
* TS. Burkhard Schrage hiện là Giảng viên cấp cao, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị và chương trình MBA, Đại học RMIT Việt Nam
Nguyễn Ngọc Hồng Trâm hiện là Trợ lý Nghiên cứu, Đại học RMIT Việt Nam.