Đó là một dự đoán khá tự tin trong bối cảnh các quôc gia trong khu vực như Trung Quốc giảm tốc và vay nợ nhiều, Nhật Bản tăng trưởng thấp hay Malaysia với xuất khẩu giảm 2,8% trong tháng 1/2016 so với cùng kỳ năm ngoái.
“Cho dù bạn nói chuyện với các doanh nghiệp, ngân hàng, các nhà đầu tư hay người tiêu dùng, họ đều tin rằng nền kinh tế Việt Nam đang ở vị trí khá tốt”, Ông Bill Stoops, Giám đốc đầu tư của Dragon Capital tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. “Nền kinh tế vĩ mô khá vững chãi, mức tăng trưởng đi lên, tiền tệ ổn định, và không có nhiều nợ đọng trong ngân hàng thương mại. Có rất ít lí do để dự cảm xấu về nền kinh tế Việt Nam”.
Jonathan Bowden, một đối tác tại Singapore của White & Case chỉ ra “nhân khẩu học hấp dẫn” là lợi thế của Việt Nam, và so sánh với Indonesia - một quốc gia đang có lợi nhuận khá tốt từ tăng trưởng sở hữu nhà đất và ô tô thì Việt Nam có tổng tài chính lớn hơn, chính phủ gắn liền với tư nhân hoá, đơn giản hoá quy định.
Khu chợ sầm uất ở Hà Nội. |
Bà Lê Hồng Liên, Giám đốc bộ phận phân tích tại Maybank cho biết thêm: “Các nhà đầu tư thích những cơ hội được tạo ra từ sự kết hợp giữa mức tăng trưởng mạnh mẽ với lạm phát thấp và định giá tài chính rẻ. Việt Nam là một trong những quốc gia có biểu hiện tốt nhất trong khu vực, cho dù bạn nhìn từ bất kỳ góc độ nào.”
Vậy, điều gì đã góp phần tạo nên con đường phát triển đúng đắn của đất nước tuyệt đẹp này?
Một điều không thể không nhắc đến, Việt Nam có một mô hình hợp lý dựa trên yếu tố tập trung xuất khẩu hàng hoá. Bên cạnh đó, nền kinh tế của Việt Nam cũng tăng tốc mạnh mẽ sau khi gia nhập WTO năm 2007.
Việt Nam đã nhận ra lợi ích từ việc cho phép tư nhân trong và ngoài nước góp vốn vào những ngành không phải cốt lõi, hội nhập với kinh tế thế giới. Những nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam cũng cho thấy sự linh hoạt, sẵn sàng hàn gắn quan hệ với kẻ thù cũ.
Vì thế, nợ doanh nghiệp ở Việt Nam đang giảm mạnh những năm gần đây (một lợi thế trong mắt các nhà đầu tư toàn cầu). Nợ xấu ở Việt Nam giảm xuống còn dưới 2%, sau khi đạt đỉnh ở mức 17% vào tháng 9/2012.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã lắng nghe từ nhiều phía, lưu ý đến những lời khuyên đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng. Việt Nam đang xây dựng đường cao tốc mới, sân bay, cảng, kênh đào và tuyến xe lửa. Thủ đô Hà Nội không còn phải chịu cảnh cắt điện liên miên.
“Những nền kinh tế phát triển nhanh thường đụng phải chướng ngại lớn bởi họ không sẵn sàng hoặc không thể đầu tư cơ sở hạ tầng tốt” Ông Stoops nói. “Việt Nam đã không phạm phải sai lầm đó”.
Dù vậy vẫn còn nhiều việc phải làm. Việt Nam xếp hạng 90 trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh “Doing Business” năm 2016 của WB, tăng 3 bậc so với năm trước. Mức độ đảm bảo tiếp cận với điện năng đã tăng đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn là một nước đi sau trên thế giới về các chỉ số chủ chốt trong việc giải quyết các vấn đề như phá sản, trả thuế và đăng ký doanh nghiệp mới.
Cơ sở hạ tầng, yếu tố cho mọi sự phát triển, vẫn đang tiếp tục được cải thiện. Năm ngoái, Chính phủ cho biết cần nguồn đầu tư khoảng 50 tỷ USD từ nay cho đến năm 2020 để cải thiện hạ tầng giao thông đô thị và quốc tế. Phần lớn nguồn vốn cần huy động từ khu vực tư nhân, tạo cơ hội khổng lồ cho các công ty xây dựng và những nhà cung cấp tài chính từ Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông... đến châu Á.
Bờ biển vàng của Việt Nam đem lại lợi ích cho kinh tế địa phương trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỉ tới. Lợi ích đó đã tạo thành hai nguồn lực kinh tế và tài chính tích cực và mạnh mẽ.
Bên cạnh đó là triển vọng từ các thoả thuận thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu vào tháng 12/2015, nhằm loại bỏ tới 99% hàng rào thuế quan trong hoạt động buôn bán giữa Việt Nam và châu Âu trong vòng 10 năm. Thứ hai là vị thế ngày càng quan trọng khi quốc gia này tham gia vào Hiệp định TPP.
Đây là thời điểm tốt cho Việt Nam. Những ngày tốt đẹp nhất có thể vẫn còn ở phía trước.