📞

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam

Hoàng Nam 18:31 | 27/05/2022
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan…
Hôm nay (27/5), Quốc hội thảo luận về các dự án luật: Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Thi đua, khen thưởng, Kinh doanh bảo hiểm.

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, chiều 27/5, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Thảo luận tại Hội trường, nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước cần khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội khác.

Tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường kinh doanh bảo hiểm

Báo cáo giải trình, tiếp thu cho thấy, đây là dự án Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng; do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm, thuận lợi trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường kinh doanh bảo hiểm.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (Chương IV), có ý kiến đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm; đồng thời có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay, hay đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về việc giao Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm do chưa phù hợp với yêu cầu xã hội hóa ngày càng cao hiện nay, đặc biệt đối với lĩnh vực đào tạo.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã mở theo hướng xã hội hóa việc đào tạo và trao quyền chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm, cơ sở đào tạo khác trong việc đào tạo kiến thức cơ bản và cập nhật kiến thức về sản phẩm bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm.

Tuy nhiên, do kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để bảo đảm chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm tương tự như quy định đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã quy định tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy tắc, chuẩn mực để áp dụng thống nhất nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng, đạo đức hành nghề của đại lý bảo hiểm (Điều 10).

Nhiều ý kiến đồng tình với việc quy định về bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật để có căn cứ pháp lý trong việc tổ chức cung cấp bảo hiểm tới các đối tượng có thu nhập thấp. Một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc quy định bảo hiểm vi mô tại dự thảo Luật vì bảo hiểm vi mô có tính chất tương hỗ, an sinh xã hội, phi lợi nhuận, trong khi phạm vi của luật có tính chất kinh doanh.

Cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ỳ bồi thường trả tiền bảo hiểm

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc), cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý rất kỹ; đáp ứng được các yêu cầu đề ra khi sửa đổi theo hướng tăng cường trao quyền cho các doanh nghiệp bảo hiểm, nâng cao chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp, thúc đẩy tính minh bạch và phát triển lành mạnh của thị trường.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Dung cho rằng, sau khi trình Quốc hội xem xét, dự thảo Luật sẽ giúp các doanh nghiệp được phép tự chủ hơn, chất lượng hoạt động sẽ được nâng cao cùng với các yêu cầu rất khắt khe về tỷ lệ an toàn vốn, về công bố thông tin, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm chuẩn hóa hoạt động trong các giao dịch của mình. Tuy nhiên, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tăng cường hoạt động giám sát.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung cũng cho rằng, các quy định về nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm vẫn chưa thực sự rõ ràng, chưa đạt được mục tiêu tiệm cận với thông lệ quốc tế. Đại biểu đề nghị đối với nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm cần được quy định rõ trong luật nhằm đảm bảo tính minh bạch, thống nhất tương tự như quy định của Luật Chứng khoán và Luật Các tổ chức tín dụng.

“Tôi cho rằng, với lịch sử hình thành của ngành bảo hiểm cũng như trình độ phát triển hiện nay, nhất là trong bối cảnh đang hội nhập sâu rộng, những quy định nào có thể luật hóa được thì nên quy định ngay trong luật sẽ phù hợp hơn”, đại biểu nêu ý kiến.

Tại Điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị sửa theo hướng cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ỳ bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp pháp.

Đại biểu Lê Minh Nam (Hậu Giang) nhấn mạnh, Luật Kinh doanh bảo hiểm có nội dung chuyên môn chuyên sâu với những quy định có đặc tính kỹ thuật đặc thù ngành. Vì vậy, để đảm bảo xem xét kỹ lưỡng trước khi thông qua, chính sách phát triển hoạt động bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm cần được xem xét kỹ nhằm hạn chế những khó khăn có thể xảy ra trong thực tiễn áp dụng.

Đại biểu cho rằng, tại Khoản 2, Điều 5, khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ tiên tiến, cần làm rõ thêm về đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích để quyết định có nên giữ quy định này tại luật hay không.

Lý do là đầu tư ứng dụng công nghệ mới của các doanh nghiệp bảo hiểm chính là khoản đầu tư nhằm thích ứng với xu thế của môi trường kinh doanh và những thay đổi hành vi của khách hàng, vừa giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đồng thời cung cấp dịch vụ tốt hơn để cạnh tranh với các doanh nghiệp bảo hiểm khác. Đây là hoạt động mang tính tự thân, đáp ứng điều kiện kinh doanh bảo hiểm.

Theo đại biểu Lê Minh Nam, thực tiễn hiện nay các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang được hưởng những chính sách khuyến khích chung từ nhà nước như việc tập trung bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số, các chính sách khuyến khích đổi mới công nghệ cũng như một số chính sách hỗ trợ khác cho doanh nghiệp. Vì vậy, nếu không xác định rõ được đối tượng, mục đích, ý nghĩa khuyến khích, tạo điều kiện một cách thuyết phục thì cũng không nên giữ quy định này.

Nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm vi mô và sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội khác.

Theo các đại biểu, đây là quy định rất đúng đắn, giúp giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn vì bảo hiểm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp luôn chịu những rủi ro khó lường, mức phí bảo hiểm thấp, nên không khuyến khích các doanh nghiệp khai thác.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội cũng ít được quan tâm do hiệu quả kinh doanh rất thấp, Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ phát triển các sản phẩm bảo hiểm này.