📞

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV: Đẩy nhanh dự án 1 triệu nhà ở xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Nhất Phong 20:20 | 31/05/2023
Chiều 31/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XV tiếp tục tiến hành Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận tại Quốc hội chiều ngày 31/5 (Nguồn: quochoi.vn)

Cần chú trọng công tác đánh giá, dự báo tình hình

Cơ bản tán thành với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho rằng, bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường thế giới cũng có tác động nhiều chiều đến kinh tế trong nước. Từ đó, cần đặc biệt chú trọng tới công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là khi có những biến động lớn về thị trường xuất nhập khẩu.

Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, cần nhìn xa hơn, rộng hơn, sớm nhìn ra những vấn đề của chính mình trong bối cảnh có sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với thế giới; còn lại là nền tảng cho sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủcác cấp các ngành, các địa phương, bài bản, khoa học, sát với thực tiễn của tình hình.

Về vấn đề chuyển đổi số quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên đánh giá, trong chuyển đổi số của lĩnh vực ngân hàng chưa thực sự quan tâm định hướng dẫn dắt loại ngân hàng số mới Neo Bank, hướng tới các dịch vụ được cá nhân hóa ưu tiên sự tiện lợi trên nền tảng kỹ thuật số, cung cấp nhiều tính năng vượt trội những giải pháp tối ưu nhất mà ngân hàng truyền thống không làm được, như tốc độ nhanh hơn, chi phí rẻ hơn và đặc biệt là tất cả đều được tích hợp chỉ trong một ứng dụng di động.

Đại biểu Tạ Thị Yên thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Tạ Thị Yên phân tích thêm về vướng mắc nhất trong giải ngân nguồn vốn sự nghiệp đối với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đại biểu chỉ rõ, vốn sự nghiệp được giao chi tiết cho từng địa phương theo từng dự án thành phần, giao cụ thể đến từng nội dung thuộc các lĩnh vực sự nghiệp y tế, giáo dục văn hóa, kinh tế dẫn đến nhiều nội dung không phù hợp với nhiệm vụ chi của địa phương. Nội dung cần chi cần thì không được phân bổ, có những nội dung thì được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi không thể giải ngân được….

Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị Quốc hội có cơ chế riêng đối với nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia trên tinh thần cho phép địa phương được chủ động điều chỉnh dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của Chương trình, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động

Tham gia thảo luận ở hội trường, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) cho biết, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt trong việc giải quyết chính sách cho người lao động.

Tuy nhiên, đại biểu phản ánh, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ, số doanh nghiệp phá sản tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng. Thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến tình trạng mất an toàn xã hội, gây nguy cơ tăng tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật.

Đại biểu cho biết, cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo của Chính phủ với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, lao động việc làm, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho biết, cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội.

Hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại COP

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) đánh giá cao báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Các báo cáo đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khắn, nhận diện rõ những thách thức sắp tới để đề ra những giải pháp ứng phó phù hợp.

Đồng tình với báo cáo của Chính phủ và nhận định của các ĐBQH, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, năm 2022, kinh tế xã hội nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, kinh tế xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan phát biểu tại Hội trường Quốc hội chiều 31/5 .

Báo cáo cũng đã chỉ rõ, dự báo năm 2023 tình hình thế giới có nhiều biến động với nhiều thách thức, đại biểu đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bên liên quan cần có cơ chế giám sát, đánh giá chặt chẽ, thường xuyên, kiểm tra tính hiệu quả của mỗi chương trình; cần ứng dụng công nghệ số, khoa học dữ liệu và giải pháp thông minh và khoa học công nghệ trong hành động của Việt Nam; đồng thời có chính sách quy hoạch phát triển dài hạn lồng ghép mục tiêu thích ứng và mục tiêu giảm phát thải…

Mức lương cán bộ, công chức còn khá thấp

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế.

Phát biểu về chính sách tiền lương của cán bộ, công chức, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội) cho biết, tháng 10 tới đây, theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phương án cải cách tổng thể tiền lương. Nhấn mạnh đây là chính sách quan trọng để phát triển kinh tế, đại biểu nhấn mạnh, mức lương cán bộ công chức tại thời điểm hiện nay là khá thấp.

Đại biểu cho biết, chúng ta đã 3 năm lỡ hẹn, liên tục lùi thời điểm cải cách tiền lương để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển, cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế. Sau hơn 2 năm thực hiện, dù Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt đôn đốc, nhưng vẫn còn rất nhiều vốn chưa thể phân bổ. Trong khi lựa chọn phương án thắt lưng buộc bụng để đầu tư phát triển, một phần nguồn lực của chúng ta vẫn chưa được phát huy hiệu quả trong nền kinh tế.

Đại biểu cho biết, cử tri đang rất quan tâm tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương thì mức tăng sẽ là bao nhiêu? Đại biểu cho rằng cần có sự thay đổi căn bản, mang tính thực chất, không chỉ mang tính hình thức, để tiền lương thực sự trở thành nguồn thu nhập chủ yếu, để chính sách tiền lương đảm bảo hội nhập quốc tế.

Kết quả xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu về triển khai Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, chiều 31/5.

Báo cáo về việc triển khai gói tín dụng cho nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này; đồng thời ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, từ đó các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030.

Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói này. Các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn. Thực tế các địa phương mới triển khai được hơn một tháng và còn đang trong quá trình tổng hợp công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, để thực hiện đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, như tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan; tiếp tục làm việc với một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ.