Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng. |
Trên cơ sở xem xét đề nghị của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ, trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê để cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp; lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Sau khi điều chỉnh, bổ sung, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 cụ thể như sau: Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021), thông qua 01 dự thảo Nghị quyết; Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021), thông qua 01 dự án luật theo quy trình tại một kỳ họp; cho ý kiến 05 dự án luật khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự kiến Chương trình năm 2022 cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022): thông qua 05 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 05 dự án luật khác; Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022): thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 02 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, qua công tác lập, triển khai thực hiện Chương trình trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đề nghị dự kiến Chương trình năm 2022 của Chính phủ so với các năm trước còn ít dự án, nhất là các dự án gối tiếp sang Chương trình năm 2023.
Trong khi đó, qua rà soát cho thấy, còn rất nhiều dự án cần được đưa vào Chương trình để kịp thời thể chế hoá các văn kiện, nghị quyết của Đảng, các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của Quốc hội; trình lại các dự án trước đây đã được Quốc hội đưa ra khỏi Chương trình để tiếp tục chuẩn bị; các dự án cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để sớm cụ thể hoá, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là văn kiện, nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống, cần đề cao công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn hệ thống chính trị.