📞

Kỷ nguyên châu Á, kỷ nguyên ASEAN

07:31 | 07/05/2015
“Chúng ta hãy sát cánh cùng với nhau để chắc chắn rằng kỷ nguyên châu Á cũng sẽ là kỷ nguyên ASEAN”, phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Najib Tun Razak tại Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 là động lực để đoàn tàu Cộng đồng asean cán đích đúng hẹn và tiếp thêm hy vọng về vị thế của Cộng đồng sau khi ra đời ngày 31/12/2015.
Lãnh đạo các nước ASEAN tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 26.

Hội nghị cấp cao lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Cộng đồng ASEAN sẽ hình thành vào 31/12/2015, đích đến tuy rất gần nhưng khó khăn còn không ít.

Hiện nay, ASEAN đã thực hiện được 93% mục tiêu đề ra trong tiến trình xây dựng cộng đồng trên ba trụ cột (An ninh – chính trị 88%; Kinh tế 90,5%; Văn hóa – xã hội gần 100%). Mặc dù vậy, 7% mục tiêu còn lại đều là những vấn đề khó do mức độ liên kết cao hơn, thời gian còn lại không nhiều, hạn chế về nguồn lực. Thêm nữa, vai trò trung tâm ASEAN đang bị thách thức trong bối cảnh cạnh tranh ảnh hưởng khu vực, các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen.

Quyết tâm từ thực hiện lộ trình

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã nhất trí cao về phương hướng, biện pháp thúc đẩy liên kết ASEAN; quyết tâm thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột; bảo đảm hình thành Cộng đồng đúng thời hạn; cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, cơ chế của Hiệp hội.

Cụ thể, về chính trị, Hội nghị nhấn mạnh việc phát huy vai trò, giá trị và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hiện có như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Ủy ban Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Hội nghị đã thông qua Tuyên bố về Phong trào ôn hòa toàn cầu, góp phần thúc đẩy giải quyết tranh chấp, xung đột thông qua biện pháp hòa bình, ôn hòa; khẳng định các nước cần đề cao trách nhiệm hoàn thành 22 biện pháp còn lại trong Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa – xã hội (ASCC).

Về kinh tế, Hội nghị bày tỏ quyết tâm hoàn thành tối đa các biện pháp còn lại trong Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Theo đó, ASEAN phấn đấu giảm hàng rào phi quan thuế nhằm tạo thuận lợi hóa thương mại, hoàn thành Gói cam kết về tự do hóa dịch vụ và Gói cam kết thứ chín về dịch vụ vận tải hàng không vào cuối 2015; hoàn tất đàm phán về Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực (RCEP) trong năm nay, đẩy mạnh hợp tác tiểu vùng trong đó có hợp tác giữa các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam (CLMV) và hợp tác tiểu vùng Mekong…

Về văn hóa xã hội, các nhà lãnh đạo khẳng định ASEAN cần hướng tới người dân, chú trọng tới lợi ích của người dân khu vực; đồng thời thông qua Tuyên bố về ASEAN lấy người dân làm trung tâm, chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích của các nhóm yếu thế như phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật và Tuyên bố về thể chế hóa tự cường ASEAN, các cộng đồng và người dân trong ứng phó hiệu quả với thảm họa và biến đổi khí hậu. ASEAN đang hoàn tất nội dung Tuyên bố về trao quyền lớn hơn cho người già, dự kiến các nhà lãnh đạo sẽ thông qua dịp cuối năm 2015, thúc đẩy xây dựng và lưu hành Thẻ doanh nhân ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ASEAN đi lại trong khu vực…

Đến hành trình tương lai

Không chỉ trao đổi về lộ trình hình thành Cộng đồng, các nhà lãnh đạo ASEAN còn thống nhất và đưa ra các chỉ đạo có tính chiến lược về xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, góp phần thúc đẩy việc sớm thống nhất nội dung và hoàn tất Dự thảo Tầm nhìn trước Cấp cao 27; trong đó bao gồm kế thừa và phát huy các thành tựu đã đạt được, đưa liên kết ASEAN lên tầm cao hơn trên mọi lĩnh vực, tăng cường vai trò trung tâm ASEAN, tính khả thi cao và phục vụ lợi ích người dân khu vực.

Cùng với đó, các nhà lãnh đạo đã nhất trí việc cần cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của ASEAN, trước mắt sớm triển khai các khuyến nghị của Nhóm Đặc trách cao cấp về cải tiến và nâng cao hiệu quả Ban thư ký ASEAN và các cơ quan ASEAN. Đặc biệt, Hiệp hội cần phải nỗ lực tăng cường quan hệ đối ngoại, làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, tranh thủ sự ủng hộ của đối tác cho xây dựng cộng đồng. Ngoài việc tiếp tục triển khai cam kết đã thỏa thuận với các đối tác, các lãnh đạo yêu cầu sớm hoàn tất xây dựng các Kế hoạch hành động (giai đoạn 2016-2020) với một số đối tác, trong đó có Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Canada… qua đó định hướng cho thúc đẩy quan hệ với các nước này giai đoạn sau 2015.

Đồng thời, mong muốn tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN cũng được Hội nghị tập trung thảo luận. ASEAN phải phát huy vai trò chủ đạo của mình trong các khuôn khổ, cơ chế hiện có của ASEAN như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)…; tăng cường đoàn kết và tiếng nói chung, thống nhất của ASEAN.

Và khi Biển Đông dậy sóng

Hội nghị đã chú trọng tới tinh thần đoàn kết để có được hòa bình thực chất, góp phần tháo gỡ những “kíp nổ” ngầm, đặc biệt là vấn đề Biển Đông và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong Tuyên bố Chủ tịch của ASEAN lần này cũng nêu rõ sự quan ngại sâu sắc chung của các nhà lãnh đạo ASEAN về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và xây dựng trên quy mô lớn ở Biển Đông, đồng thời đề nghị các bên liên quan thực hiện đầy đủ những điều khoản của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), giải quyết hòa bình các tranh chấp.

Tuyên bố về Phong trào ôn hòa toàn cầu được đưa ra trong Hội nghị là cách thức để ASEAN đối phó trước nguy cơ đe dọa tới an ninh khu vực của IS. Nước chủ nhà Malaysia cũng đã lên kế hoạch một cuộc gặp đặc biệt cấp Bộ trưởng bàn về chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố vào tháng Mười tới.

Như vậy, ASEAN không chỉ đang “sống” trong kỷ nguyên Á châu mà còn trong cả kỷ nguyên của chính mình. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 và những tuyên bố mang thông điệp riêng chính là lời cam kết của ASEAN về một cộng đồng hòa bình, phát triển và sẵn sàng “tỏa sáng”.

Hằng Phạm