Big Data đang tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành công nghệ thông tin. |
Báo cáo mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường IDC cho thấy, doanh thu đến từ thị trường Big Data sẽ tăng lên 16,1 tỷ USD vào năm 2014 và sẽ tiếp tục tăng trưởng kép với tốc độ 27% và đạt đến 32,4 tỷ USD vào năm 2017. Vậy Big Data là gì?
Cuộc cách mạng công nghệ
Big Data (dữ liệu lớn) là thuật ngữ dùng để chỉ một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp đến nỗi những công cụ, ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không thể đảm đương được. Thống kê cho thấy, trong hai năm qua, khối lượng dữ liệu trên toàn cầu đã chiếm đến 90% lượng dữ liệu số được tạo ra kể từ khi công nghệ số hóa ra đời. Kích cỡ của Big Data tăng lên từng ngày, tính đến năm 2012 đã lên hàng exabyte (1 exabyte bằng 1 tỷ gigabyte).
Ngược dòng lịch sử, trước khi phát minh ra máy tính cá nhân (PC), các công ty phải chi hàng triệu USD cho các máy tính cồng kềnh để xử lý dữ liệu. Apple và Microsoft đã thay đổi điều đó bằng việc đưa máy tính vào mọi nhà. Với Big Data cũng vậy, khi giá của những bộ nhớ lớn, xử lý tốc độ cao giảm xuống, các công ty có thể truy cập khối lượng bao la các dữ liệu cả bên trong và bên ngoài công ty, từ đó đưa ra đánh giá chính xác về thị trường, nắm bắt cơ hội và thu lợi nhuận.
Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp phần mềm đã giúp hàng nghìn người trở thành triệu phú, tỷ phú thì vòng xoay này đang lặp lại với Big Data. Big Data, vì vậy, đang trở thành câu chuyện thời thượng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới kinh doanh công nghệ toàn thế giới.
"Big Data là cuộc cách mạng đối với toàn bộ ngành công nghệ thông tin và ước tính các nhà kinh doanh khởi nghiệp sẽ kiếm 300 đến 500 tỷ USD từ ngành này", Matt Ocko, đồng Giám đốc điều hành tại quỹ Data Collective tại San Francisco nhận định.
Lợi ích ưu việt
Theo các chuyên gia, Big Data có thể mang lại bốn lợi ích: cắt giảm chi phí, giảm thời gian, tăng thời gian phát triển, tối ưu hóa sản phẩm và hỗ trợ con người đưa ra quyết định hợp lý hơn.
Ngày nay, dữ liệu chính là tiền bạc của doanh nghiệp. Lấy ví dụ, những thông tin về thói quen, sở thích của khách hàng có được từ lượng dữ liệu khổng lồ các doanh nghiệp thu thập trong lúc khách hàng ghé thăm và tương tác với trang web của mình. Chỉ cần doanh nghiệp biết khai thác hiệu quả, Big Data không chỉ giúp tăng lợi nhuận cho chính họ mà giúp tiết kiệm thời gian cho khách hàng trong mua sắm.
Nhờ Big Data, năm 2013, Amazon đạt doanh thu tới 74 tỷ USD, IBM đạt hơn 16 tỷ USD. Big Data là nhu cầu tăng trưởng lớn đến nỗi từ năm 2010, Software AG, Oracle, IBM, Microsoft, SAP, EMC, HP và Dell đã chi hơn 15 tỷ USD cho các công ty chuyên về quản lý và phân tích dữ liệu.
Với tiềm năng ưu việt, Big Data không chỉ ứng dụng trong kinh doanh mà còn có khả năng tác động đến hầu hết ngành nghề khác. Chính phủ các nước có thể ứng dụng Big Data để dự đoán tỷ lệ thất nghiệp, xu hướng nghề nghiệp của tương lai để đầu tư cho những hạng mục phù hợp hoặc cắt giảm chi tiêu, kích thích tăng trưởng kinh tế, thậm chí dự đoán sự phát triển của mầm bệnh và khoanh vùng sự lây lan của bệnh dịch.
Nói cách khác, Big Data sẽ là công cụ thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Theo ước tính của Gartner, một công ty nghiên cứu và tư vấn về công nghệ hàng đầu của Mỹ, tới năm 2015 Big Data có thể tạo ra thêm 4,4 triệu việc làm trong ngành IT toàn cầu và trong 5 năm (2012-2017), thế giới sẽ đầu tư 232 tỷ USD cho Big Data.
Với hơn 30 triệu người dùng Internet và hơn 15 triệu người dùng Internet trên điện thoại di động, Việt Nam đang là đích ngắm của nhiều nhà cung cấp giải pháp Big Data như Microsoft, IBM, Oracle… Big Data và các công nghệ phân tích có khả năng làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của các ngành kinh tế và nghề nghiệp. Vì vậy, những mô hình kinh doanh mới dựa trên Big Data đang được hình thành để giúp các tổ chức, doanh nghiệp tận dụng dữ liệu. “Đây cũng là xu thế tất yếu trong tương lai không xa với doanh nghiệp Việt Nam", ông Tan Jee Toon, Tổng Giám đốc IBM Việt Nam dự đoán.
Anh Thư (tổng hợp)