Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Razak ký Tuyên bố về Khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia. (Ảnh: VGP) |
“Quyết định của lãnh đạo hai nước trong việc nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam - Malaysia lên tầm đối tác chiến lược sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước chúng ta”, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp hẹp và hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chiều nay 7/8.
Về phần mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ tin tưởng, việc triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược không chỉ tạo xung lực mới, đưa các lĩnh vực hợp tác hợp tác giữa hai nước trở nên ngày càng hiệu quả, mà còn đóng góp tích cực cho Cộng đồng ASEAN trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định, tăng cường hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và Malaysia cho biết, tại cuộc hội đàm hiệu quả và thiết thực, hai bên đã nhất trí thắt chặt hơn nữa sự gần gũi và tin cậy chính trị sẵn có giữa Việt Nam và Malaysia, thông qua trao đổi đoàn các cấp, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương sẵn có, đồng thời nhất trí sẽ thiết lập các cơ chế hợp tác mới giữa các bộ ngành, nhất là trong chính trị, quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hai bên đã thống nhất nhận định, kinh tế thương mại và đầu tư tiếp tục là lĩnh vực quan trọng và là điểm sáng trong quan hệ hai nước; nhất trí hợp tác chặt chẽ để tăng thương mại hai chiều từ 10 tỷ USD năm 2015 lên 15 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2020; tăng cường hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như dầu khí, khí ga hóa lỏng, năng lượng, tài chính, ngân hàng…; thảo luận các biện pháp đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực tiềm năng khác như lao động, nuôi trồng thủy sản, nghề cá, tư pháp, văn hóa, giáo dục, thể thao, tăng hợp tác giữa các địa phương hai nước.
Theo Thủ tướng Razak, Malaysia hiện là nhà đầu tư lớn thứ 8 tại Việt Nam và hiện nay, các doanh nghiệp, tập đoàn của Malaysia hết sức quan tâm đến cơ hội mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Nhân chuyến thăm này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tập đoàn Petronas và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác mới. Cũng theo Thủ tướng Malaysia, việc ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực tuyển dụng lao động Việt Nam tại Malaysia vừa đạt được sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn lợi ích của người lao động của Việt Nam tại Malaysia. “Chúng tôi ghi nhận, hiện có hơn 60.000 lao động Việt Nam tại Malaysia và Malaysia quan tâm tuyển dụng thêm lao động giúp việc của Việt Nam. Malaysia mong muốn, hai bên sẽ tiếp tục thảo luận đi đến ký kết MOU về tuyển dụng lao động giúp việc”, ông nói.
Cũng tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã khẳng định không cho phép bất cứ cá nhân hay tổ chức nào sử dụng lãnh thổ nước này thực hiện các hoạt động chống phá nước kia; nhất trí đẩy nhanh tiến độ đàm phán, sớm ký hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, hiệp định dẫn độ và hiệp định phòng chống tội phạm buôn bán người….
Hai bên nhất trí, Malaysia và Việt Nam không chỉ cần thúc đẩy hợp tác song phương mà còn hợp tác phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực mà quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự thống nhất, đoàn kết trong ASEAN, đảm bảo vai trò trung tâm của ASEAN.
Hai bên cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây về hoạt động bồi đắp, xây dựng trên quy mô lớn các đảo, đá tại Biển Đông của Trung Quốc, trái luật pháp quốc tế và thỏa thuận khu vực, làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình an ninh ổn định tại khu vực; đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết các bên liên quan bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, kiềm chế và không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước về Luật Biển năm 1982, tăng cường tham vấn và đối thoại thực chất để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Nguyễn Kim (từ Kuala Lumpur)