Tầm quan trọng và tính cấp bách đã đưa vấn đề này trở thành một trong những nội dung quan trọng được bàn luận tại các kỳ họp của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương năm 2017. Mới đây, chuỗi sự kiện thuộc Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ 2 (SOM 2) đã dành riêng một chương trình Đối thoại chính sách cao cấp APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Bốn vị khách mời (từ phải qua trái): TS Đào Quang Vinh, ông Hoàng Nam Tiến, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan và TS Huỳnh Quyết Thắng. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Nhằm mục đích lan tỏa các vấn đề quan trọng và thiết thực được thảo luận tại APEC, Báo Thế giới & Việt Nam đã phối hợp với Báo điện tử Vietnamnet tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến “Đào tạo Nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”.
Tại Tọa đàm, các diễn giả cho biết, dù là nước phát triển hay đang phát triển, đều đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc đáp ứng nhu cầu nhân lực cho nền kinh tế kỹ thuật số với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Ở Việt Nam, những nhà máy thông minh rồi sẽ ra đời, máy móc dần thay thế con người, toàn bộ quá trình quản trị sản xuất hay quản trị cũng sẽ đều được số hoá.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta sẽ thừa lao động, ngược lại, nền kinh tế sẽ cần rất nhiều lao động trình độ cao và đào thải số lượng lớn lao động giản đơn. Đó là bài toán khó về nguồn nhân lực mà các nền kinh tế sẽ phải nhanh chóng giải được, để đáp ứng tốc độ phát triển vượt bậc của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguồn nhân lực ứng phó với kỷ nguyên số sẽ không chỉ là những người được đào tạo làm phần mềm, mà phải là sự tiếp cận từ người dân, quan chức Chính phủ. Mọi người rồi sẽ đều phải tiếp cận với công nghệ mới, bởi vậy, việc mọi người có thể thích ứng với sự phát triển của cái mới là rất quan trọng, cần có sự thay đổi bắt đầu từ tư duy. Tuy nhiên, hiện chưa có cách tiếp cận nào cụ thể về vấn đề này.
Đối với việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến đã đưa ra một số giải pháp, trong đó, giải pháp đang được FPT thử nghiệm là đào tạo nhanh mà không cần bằng cấp, miễn là nhân lực đáp ứng tốt công việc, sau đó có thể học tiếp khi có nhu cầu.
Về vấn đề này, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, dưới góc độ trường đại học, đào tạo cần được phân tầng. Ngoài ra, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thực tế.