|
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Minh Châu/TG&VN)) |
Đến dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tô Huy Rứa - Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ngô Văn Dụ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đinh Thế Huynh - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyễn Xuân Phúc - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an, Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Ngô Xuân Lịch - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bà mẹ Việt Nam, các anh hùng, cựu chiến binh, dân quân tự vệ đã tham gia chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, tùy viên quân sự các nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Campuchia, Cuba, Belarus, Triều Tiên cùng tham dự lễ kỷ niệm.Tại buổi lễ, các đại biểu đã cùng ôn lại truyền thống vẻ vang của chiến thắng có ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc, góp phần rất quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc đến thắng lợi. Tháng 12 năm 1972, sau khi đơn phương tuyên bố hoãn không thời hạn Hội nghị Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam,” đế quốc Mỹ đã mở cuộc tập kích chiến lược bằng đường không vào miền Bắc nước ta với tên gọi Chiến dịch “Linebacker II” nhằm đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng miền Bắc, gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Paris theo các điều khoản có lợi cho Mỹ; hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam; làm tê liệt ý chí chiến đấu, giảm thế và lực của ta so với địch trên chiến trường; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đây là cuộc tập kích bằng đường không huy động lực lượng lớn nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, với hàng trăm máy bay ném bom chiến lược B.52, được mệnh danh là “Siêu pháo đài bay” - “thần tượng bất khả chiến bại” của không lực Hoa Kỳ cùng hàng ngàn máy bay chiến thuật và nhiều tàu sân bay, tàu chiến tối tân, hiện đại.Ngay từ những năm đầu của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, sớm nhận rõ và dự báo chính xác tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xác định quyết tâm chiến lược, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, động viên quân và dân ta chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để quyết đánh, quyết thắng cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ. Từ cuối năm 1967, đầu năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.”Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Quân chủng Phòng không - Không quân đã sớm có kế hoạch tác chiến đánh trả cuộc tập kích bằng B.52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng. Với sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh máy bay B52, các lực lượng vũ trang của ta với nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân và nhân dân miền Bắc, nhất là quân dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng. Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo. Trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, chủ yếu bằng B52 của Mỹ, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B.52, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái Mỹ. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, “siêu pháo đài bay B.52” thảm bại và không quân Mỹ phải chịu thiệt hại nặng nề nhất. Sau thất bại này, nhà cầm quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Cuối tháng 3/1973, quân đội Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.
|
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại lễ kỷ niệm. |
Đọc diễn văn khai mạc tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến thắng mang tầm vóc lịch sử ở thế kỷ XX, viết tiếp những trang sử vàng chiến công chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm, giữ nước của dân tộc ta. Chiến thắng đó đã góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng; tạo ra cục diện mới để quân và dân ta thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác Hồ kính yêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chứng minh hùng hồn cho chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do.” Một nước đất không rộng, người không đông nhưng biết đoàn kết đấu tranh cho độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của một Đảng mácxít chân chính với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới thì có thể chiến thắng mọi kẻ thù, dù chúng có các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của phong trào cách mạng thế giới; củng cố niềm tin chiến thắng cho các lực lượng tiến bộ đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.Chủ tịch nước nêu rõ: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; chiến thắng của nghệ thuật quân sự Việt Nam mưu trí, sáng tạo, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, dựa trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; chiến thắng của nghệ thuật xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững chắc, phát huy cao nhất vai trò của lực lượng phòng không ba thứ quân; là chiến thắng của tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, thông minh, sáng tạo, của ý chí quyết đánh và quyết thắng; đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không,” có sự đóng góp hy sinh to lớn của lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương miền Bắc, trực tiếp là Thủ đô Hà Nội.
Trong 12 ngày đêm, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc đã phải hứng chịu hơn tám mươi ngàn tấn bom đạn tàn phá, hủy diệt, nhưng quân và dân ta, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô văn hiến, anh hùng đã biến đau thương thành hành động cách mạng, giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, anh dũng, ngoan cường, quyết chiến đấu với tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.” Trong những ngày chiến đấu đó, cả nước hướng về Thủ đô, bảo vệ Thủ đô. Quân và dân ta ở miền Nam ruột thịt đã “chia lửa” cùng đồng bào và chiến sĩ miền Bắc, đẩy mạnh tiến công trên khắp các chiến trường, làm cho kẻ địch phải phân tán lực lượng, bị động đối phó trên nhiều hướng, nhiều mặt trận, hoang mang, nhụt chí chiến đấu. Năm tháng sẽ qua đi, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo; là niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta, quân đội ta, là một trong những chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng; ghi đậm dấu ấn của cuộc đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh.Chủ tịch nước bày tỏ, ngày nay, đất nước ta hòa bình, thống nhất, đang thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 được thông qua tại Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn tiếp theo.Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đó, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu rất cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Chiến công oanh liệt của trí tuệ, lòng dũng cảm và ý chí quật cường của dân tộc ta, quân đội ta, của cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Phòng không - Không quân, của quân dân Thủ đô và các tỉnh, thành phố miền Bắc trong 12 ngày đêm chống cuộc tập kích chiến lược bằng đường không của đế quốc Mỹ cổ vũ, khích lệ chúng ta vững bước đi lên. Lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo đánh thắng máy bay chiến lược B.52 và những phẩm chất cao đẹp của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cần được giữ gìn, truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau.Những bài học về dự báo tình hình, chuẩn bị và tổ chức lực lượng; nghệ thuật xây dựng thế trận phòng không nhân dân; tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp để kháng chiến thắng lợi, cần được vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện mới. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong toàn dân, nhất là thế hệ trẻ; tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực mọi mặt của đất nước; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, tự chủ, tự lực, tự cường và ngày càng hiện đại; tăng cường đoàn kết gắn bó giữa quân và dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát huy truyền thống 68 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam và thành tựu 23 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, tập trung nâng cao chất lượng xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân hiện đại, xứng đáng là lực lượng chính trị, chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, bạn bè quốc tế, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ, đã giành cho nhân dân ta trong những năm tháng chiến tranh gian khổ ác liệt. Trải qua những tàn phá nặng nề và hy sinh to lớn trong chiến tranh, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam thiết tha, quý trọng hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc Việt Nam, “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai,” nhân dân ta luôn mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác cùng phát triển với các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, theo tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của đất nước; xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.Chủ tịch nước cho rằng, tự hào về những chiến công oanh liệt, truyền thống yêu nước, đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc; tự hào về Đảng ta, tự hào với truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm giữ gìn và phát huy cao độ truyền thống vẻ vang đó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Hào khí Việt Nam, vận hội mới của đất nước thôi thúc cả nước tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xứng đáng với công lao to lớn, khát vọng cháy bỏng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước, viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.Tại buổi lễ, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân, đại diện cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến đấu trong chiến dịch, đã bày tỏ vinh dự và tự hào, lòng biết ơn sâu sắc tới Đảng, Bác Hồ kính yêu, tới Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã giáo dục, rèn luyện để được trưởng thành, cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc; cảm ơn Đảng bộ, nhân dân Tp Hà Nội cùng các tỉnh thành đã đùm bọc, chia sẻ, phối hợp, hiệp đồng chiến đâu và chiến thắng vẻ vang; cảm ơn bạn bè quốc tế đã giúp đỡ đặc biệt, chí tính để tiếp thêm sức mạnh cho thắng lợi trọn vẹn. Phát huy truyền thống anh hùng của Bộ đội Phòng không - Không quân, phẩm chất cao đẹp của “Bộ đội cụ Hồ,” các cựu chiến binh nguyện tiếp tục cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết giữ gìn non sống gấm vóc này trường tồn, bền vững và phát triển.Đại diện cho hơn 23 triệu đoàn viên trong cả nước, anh Nguyễn Phan Ngọc Tùng, Cơ trưởng, Phó bí thư Chi đoàn Đội bay A320, Đoàn bay 919 tâm sự: Từ trên ghế nhà trường, qua những những chứng tích lịch sử chiến tranh để lại, đặc biệt là được nghe nhiều câu chuyện xúc động các thế hệ cha anh đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, những đoàn viên trẻ đã cảm nhận sâu sắc về tính chất ác liệt của trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 và tinh thần chiến đấu, hy sinh vô cùng dũng cảm của quân và dân ta. Khâm phục những người trực tiếp tham gia chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, thế hệ trẻ hôm nay, quyết tâm tiếp tục giữ gìn và phát huy những thành quả của thế hệ cha anh đi trước, góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng, kiến thức nước nhà ngày càng giàu mạnh.Theo
TTXVN