Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong nước; cán bộ lãnh đạo của tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ và gia đình Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dự Lễ kỷ niệm.
Khẳng định cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang đã ôn lại cuộc đời và những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dâng hương tại Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN) |
Đồng chí Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa, được nhiều người gọi với tên gần gũi, trìu mến là Sáu Dân hay Chín Hòa, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng.
Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, trên mọi cương vị công tác, đồng chí Võ Văn Kiệt luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng, đánh bại mọi âm mưu thâm độc của kẻ thù, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ mà đỉnh cao là chiến thắng vĩ đại của cuộc Tổng tiến công Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí Võ Văn Kiệt đã được Đảng và Nhà nước giao nhiều trọng trách. Ở cương vị công tác nào, đồng chí luôn cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh, không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.
Trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Trung ương, Chính phủ, với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những đóng góp tích cực vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Thời điểm là người đứng đầu Chính phủ, đồng chí Võ Văn Kiệt đã tổ chức thực hiện nhiều chủ trương lớn một cách kiên quyết, triệt để và rất cụ thể về đổi mới.
Ngày nay, nhân dân vẫn nhớ đến nhiều công trình điển hình mang đậm “dấu ấn” của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ chủ trương có ý nghĩa quyết đoán, sáng tạo, đột phá, đến sự năng động, quyết liệt trong điều hành thực hiện. Đó là chương trình khai thác Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, chuyển từ vùng châu thổ nhiễm mặn nặng nề, năng suất rất thấp, mỗi năm chỉ cấy được một vụ, sang vùng có năng suất cao; đường dây tải điện 500 KV Bắc-Nam góp phần điều hòa lượng điện trong cả nước; Đường Bắc Thăng Long-Nội Bài… các công trình mang tính chiến lược, là đòn bẩy quyết định cho sự phát triển tăng tốc về kinh tế-văn hóa-xã hội của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới.
Khởi nghĩa Nam kỳ - Sáng ngời tinh thần quật khởi
Cách đây 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam kỳ đã vùng lên khởi nghĩa chống thực dân Pháp và tay sai phong kiến để giành độc lập tự do cho dân tộc, một sự kiện lịch sử chói lọi của cách mạng Việt Nam.
Hiệu triệu lời kêu gọi của Đảng và các nghị quyết của Xứ ủy Nam Kỳ về việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, đêm 22 rạng sáng 23/11/1940 nhân dân khắp 20 tỉnh miền Nam đã đồng loạt vùng lên khởi nghĩa với tinh thần quyết liệt, khí thế tiến công mạnh mẽ.
Riêng ở tỉnh Vĩnh Long, nhân dân đã nhất tề đứng lên đánh thẳng vào sào huyệt, trung tâm đầu não địch. Nổi bật nhất, thắng lợi to lớn nhất là cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở quận Vũng Liêm do nữ Bí thư Quận ủy Nguyễn Thị Hồng chỉ huy, đã đốt cháy dinh quận, trại lính, nhà bưu điện làm địch mất liên lạc hoàn toàn, bọn địch hoảng loạn, chạy trốn.
Quân khởi nghĩa đã mở cửa nhà giam giải thoát cho 45 cán bộ đảng viên và đồng bào bị địch giam giữ. Lá cờ Cách mạng lần đầu tiên tung bay phất phới trước cửa dinh quận Vũng Liêm...
Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trong cả nước, trong đó có địa bàn tỉnh Vĩnh Long thắng lợi chưa trọn vẹn, sau đó thực dân Pháp thực hiện chiến dịch khủng bố trắng, truy lùng và bắt bớ, bắn giết hàng trăm người, trong đó có trên 100 cán bộ, đảng viên của tỉnh bị giam cầm và hy sinh tại Côn Đảo.
Có thể khẳng định, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở Vĩnh Long đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Vĩnh Long.
Đây là lần đầu tiên quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã nhất tề đứng lên làm cuộc khởi nghĩa có vũ trang, đánh thẳng vào bộ máy chính quyền địch.
Cuộc khởi nghĩa bị dìm trong biển máu nhưng tinh thần quật khởi chiến đấu của nhân dân Vĩnh Long vẫn luôn sáng ngời trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam.
Đại biểu dâng hương tại Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn - Nguyễn Giao. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN) |
Xây dựng quê hương Vĩnh Long giàu đẹp
Kế thừa, phát huy truyền thống quý báu của quê hương, dân tộc và tấm gương yêu nước, cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt, từ sau ngày giải phóng, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Vĩnh Long đã chung sức chung lòng thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương.
Đến nay, Vĩnh Long đã thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, kinh tế địa phương đi vào thế ổn định và tăng trưởng khá, chuyển dịch cơ cấu đúng hướng và hiệu quả; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế được tập trung đầu tư; sản lượng lúa đạt trên một triệu tấn/năm; diện tích vườn cây ăn trái đứng thứ hai so với các tỉnh trong khu vực và đứng thứ tư của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm được kéo giảm, các chế độ chính sách được quan tâm đầy đủ, kịp thời.
Học tập tấm gương vì nước vì dân của đồng chí Võ Văn Kiệt, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Long đã và đang tập trung thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) gắn với việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vững vàng về tư tưởng chính trị, lành mạnh về đạo đức lối sống; sâu sát thực tiễn, gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy tính năng động sáng tạo và nâng cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.
Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long nguyện học tập, phấn đấu phát huy tinh thần yêu nước, cách mạng, nỗ lực xây dựng tỉnh ngày càng phát triển, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.”
Trong thời gian tới, Vĩnh Long chú trọng thực hiện có hiệu quả hai khâu đột phá về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững.
Thay mặt thế hệ trẻ Vĩnh Long, Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Nguyễn Huỳnh Thu bày tỏ lòng biết ơn và tự hào về công lao to lớn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt; đồng thời nguyện sẽ phấn đấn, rèn luyện, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Trước đó, các đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài Đốc binh Lê Cẩn-Nguyễn Giao, Bia Nam kỳ khởi nghĩa, Di tích hồ Vũng Linh và Khu tưởng niệm Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt.