Bộ Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức lễ trao đổi Thoả thuận hợp tác về các dự án sử dụng Quỹ Đặc biệt hợp tác Mekong-Lan Thương năm 2021, theo hình thức trực tuyến. |
Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của các nước thành viên nhân dịp Tuần Lễ Mekong-Lan Thương (MLC) năm 2022, góp phần thúc đẩy sự tham gia tích cực của các Bộ, ngành địa phương của Việt Nam trong cơ chế hợp tác, mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa.
Tham dự sự kiện về phía Việt Nam có Trưởng SOM Mekong Trần Bảo Ngọc, đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng 10 địa phương của Việt Nam tham gia đăng ký dự án sử dụng Quỹ Đặc biệt MLC năm 2021-2022, gồm Cà Mau, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái.
Về phía Trung Quốc có Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc Hy Tuệ, cùng đại diện Bộ Thủy lợi Trung Quốc và Trung tâm hợp tác nguồn nước MLC.
Phát biểu khai mạc sự kiện, Trưởng SOM Mekong Việt Nam Trần Bảo Ngọc nhấn mạnh trong 6 năm qua MLC trở thành một trong những cơ chế năng động nhất khu vực, triển khai tầm nhìn của các nhà Lãnh đạo về một khu vực Mekong-Lan Thương hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Nổi bật là hợp tác Mekong-Lan Thương được triển khai trong nhiều lĩnh vực từ giao thông, thương mại, nông nghiệp đến du lịch và môi trường, nguồn nước, đồng thời thu hút sự tham gia đông đảo của các bộ, ngành địa phương của các nước thành viên.
Ví dụ cụ thể là nhiều địa phương Việt Nam, trải dài từ Bắc đến Nam, đã tham dự sự kiện nhân dịp Tuần lễ MLC lần thứ 5.
Trưởng SOM Việt Nam cũng đánh giá cao hợp tác chặt chẽ của các nước thành viên trong 2 năm qua trong ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh và thúc đẩy hợp tác, phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực.
Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực tham gia vào quá trình hình thành và phát triển MLC, đề xuất nhiều ý tưởng hợp tác. Việt Nam hy vọng sự kiện sẽ góp phần thúc đẩy sự tham gia của các địa phương, đồng thời làm sâu sắc quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của các nước thành viên nhân dịp Tuần Lễ Mekong-Lan Thương năm 2022 |
Cũng tại phiên khai mạc, bà Hy Tuệ, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội khẳng định hợp tác Mekong-Lan Thương luôn ưu tiên mục tiêu phát triển, bảo đảm nguyên tắc tự lập, tự chủ, tự cường, trên tinh thần cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng chung hưởng. Trung Quốc đánh giá MLC là cơ chế hợp tác có tiềm năng nhất, góp phần làm sâu sắc quan hệ hữu nghị, kết nối chặt chẽ giữa sáu nước thành viên Mekong cũng như quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.
Về hợp tác nguồn nước trong khuôn khổ Mekong-Lan Thương, đại diện Bộ Thủy lợi Trung Quốc và Trung tâm Nguồn nước MLC chia sẻ những đóng góp của Trung Quốc trong việc thúc đẩy quản lý bền vững tài nguyên nước tại khu vực thông qua tăng cường chia sẻ thông tin và số liệu thủy văn, triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý nguồn nước, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Thời gian tới, phía Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp cùng các nước thành viên giải quyết thách thức về vấn đề nguồn nước và biến đổi khí hậu tại khu vực.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc trao đổi Thoả thuận Hợp tác về 3 dự án sử dụng Quỹ Đặc biệt Hợp tác Mekong-Lan Thương năm 2021. |
Tại buổi lễ, các đại biểu đã chứng kiến đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc trao đổi Thoả thuận Hợp tác về 3 dự án sử dụng Quỹ Đặc biệt Hợp tác Mekong-Lan Thương năm 2021 về cải thiện công trình cấp nước sạch nông thôn tại tỉnh Cà Mau và tỉnh Điện Biên, hỗ trợ giảm nghèo thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại vùng biên giới Việt Nam-Lào của tỉnh Sơn La.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bà Nguyễn Yến Hải khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ 3 địa phương triển khai hiệu quả các dự án, góp phần nâng cao đời sống người dân tại các vùng miền khó khăn. Phía Việt Nam mong rằng thời gian tới Quỹ Đặc biệt MLC sẽ tập trung hỗ trợ các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam.
Các đại biểu Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đối với Việt Nam cũng như các nước thành viên MLC thông qua Quỹ Đặc biệt MLC, mang lại những kết quả thiết thực cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Kết thúc sự kiện, các đại biểu hy vọng việc triển khai các dự án sử dụng Quỹ Đặc biệt Hợp tác Mekong-Lan Thương của 3 địa phương Việt Nam sẽ thúc đẩy sự tham gia tích cực của các địa phương tại cơ chế hợp tác thời gian tới.
Các đại biểu cũng khẳng định sẽ tăng cường phối hợp giữa các Bộ ngành địa phương của 6 nước thành viên để đưa hợp tác Mekong-Lan Thương hiệu quả, thực chất, góp phần phục hồi kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển xanh, số và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
| Lần đầu tiên Diễn đàn về hợp tác EU-Mekong được tổ chức tại Việt Nam Đây là lần đầu tiên một Diễn đàn về hợp tác giữa EU và các nước Mekong được tổ chức tại Việt Nam với nội ... |
| Tổ chức thành công Kỳ họp thường niên Đối thoại cấp cao kinh tế Việt Nam-Pháp lần thứ 7 Ngày 20/1, Kỳ họp thường niên Đối thoại cấp cao (ĐTCC) kinh tế Việt Nam-Pháp lần thứ 7 đã được tổ chức theo hình thức ... |