Bức ảnh đáng nhớ nhất trong cuộc đời cầm máy của ông Chu Chí Thành. |
Những ngày lăn lộn tại “tuyến lửa”
Nhà báo Chu Chí Thành sinh năm 1944, quê ở Văn Giang, Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học tổng hợp Hà Nội năm 1966, ông được phân công về làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam. Kết thúc khóa học nghiệp vụ thông tấn kéo dài chín tháng, chàng phóng viên trẻ này tiếp tục học thêm về nghiệp vụ ảnh báo chí. Kể từ đó, ông nhận ra nhiếp ảnh chính là niềm đam mê của mình và gắn bó cả cuộc đời với nó.
Vào cuối những năm 1960, ông Thành có hai đợt đi công tác vào Vĩnh Linh bằng xe đạp. Chính những ngày lăn lộn tại “tuyến lửa”, đã giúp ông Thành tích lũy được kinh nghiệm quý giá cho sự nghiệp cầm máy. Không có được ống kính tele, góc rộng như các phóng viên nước ngoài. Cách duy nhất để ông Thành ghi lại những khoảnh khắc sống động của chiến tranh là đến gần mục tiêu. Nhưng cũng chính thế mà ông đã nhiều lần phải đối đầu với cái chết. Ông kể lại: “Mỗi khi nghe còi báo động là mọi người xuống hầm trú ẩn. Nhưng tôi lại chạy ngay ra chỗ cao nhất để chụp cảnh máy bay Mỹ ném bom và bị pháo phòng không của ta bắn rơi”.
Khi màn đêm buông xuống mới là lúc người phóng viên chiến trường này vào hầm trú ẩn để... lần mò tráng phim và ghi lại chú thích. Sáng sớm hôm sau, những tấm phim ấy sẽ được ông đem ra quân bưu, gửi về cơ quan ở thủ đô để kịp đưa tin.
Đầu thập niên 1970, một trong những biện pháp đấu tranh ngoại giao của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là mời các nhân vật có tư tưởng phản chiến đến Hà Nội. Năm 1972, ông đã có dịp theo chân nữ minh tinh Jane Fonda đến thăm các nạn nhân chiến tranh tại bệnh viện Bạch Mai, chứng kiến tận mắt những con đê bị giặc Mỹ phá hoại và trò chuyện với những phi công Mỹ bị bắt sống. Ông Thành còn chụp được những dòng thư tay mà Jane “Hanoi” gửi đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Trước chiến tranh, nhân dân Mỹ và Việt Nam biết rất ít về nhau. Kể từ cuộc đàn áp của chủ nghĩa đế quốc, hai dân tộc đã hiểu rõ thêm về quốc gia ở phía bên kia. Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng ta có thể gần gũi với nhau hơn. Đoàn kết và thân ái!”
Bức ảnh báo hiệu ngày thống nhất
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, hai bên đã tiến hành trao trả tù binh ở hai bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Bình) vào những ngày tháng 2/1973. Trong số các quân nhân của chính quyền Sài Gòn bị bắt, một số người đã được giác ngộ và lưu luyến với chính quyền miền Bắc. Ông Thành cho biết có khá nhiều người lính Sài Gòn đã quay lại tươi cười vẫy chào những anh lính giải phóng ngay sau khi được trao trả tự do.
Trong những ngày lịch sử ấy, phóng viên Chu Chí Thành đã chụp được bức ảnh mà theo ông là đáng nhớ nhất trong sự nghiệp cầm máy. Khi đó, dù đang tiến hành trao trả tù binh nhưng hai bên bờ sông Thạch Hãn vẫn thiết lập các chốt chiến đấu. Chẳng hiểu công tác binh vận thế nào mà tuy súng hai bên vẫn chĩa sang nhau mà lính ta lại gọi được lính Cộng hòa từ bờ bên kia sang chơi. Thấy ông Thành, một anh lính Sài Gòn mặc áo rằn ri nói: “Anh nhà báo, xin anh chụp cho em bức ảnh với anh Giải phóng!” Thế là họ hồn nhiên khoác vai nhau như thể cuộc giao tranh chưa từng xảy ra. “Tôi bấm kiểu ảnh này mà trong lòng thầm vui. Lúc ấy, tôi cảm nhận những người lính Sài Gòn đã không còn muốn cầm súng nữa. Chắc hẳn, ngày hai miền thống nhất đã sắp tới gần”, ông kể lại.
Trong cuộc triển lãm “Phóng viên chiến trường” vừa diễn ra tại Trung tâm văn hóa Pháp (Hà Nội), một phóng viên nước ngoài đã hỏi ông Chu Chí Thành về cảm nghĩ nếu một trong hai người lính ấy đã hy sinh trong cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 1975. Vị phóng viên lão thành này khẳng định: “Dù ai ngã xuống thì tôi cũng đau lòng. Tôi rất thương họ, đặc biệt là người lính Sài Gòn. Lúc ấy, anh ta đã muốn giã từ vũ khí, muốn hòa bình lập lại để được trở về sống chung với đồng bào cả hai miền”.
Hoàng Quân
(*) Ông Chu Chí Thành được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú về đóng góp cho Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú danh dự của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế.
Ngày 27/4, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho ông về cụm tác phẩm “Từ ngục tối thắng lợi trở về”.