📞

Kỳ vọng BTA!

07:00 | 25/11/2016
Dù đích đến của Hiệp định TPP ngày càng khó xác định, cơ hội phát triển thương mại, đầu tư song phương Việt – Mỹ vẫn chưa bao giờ có giới hạn.

Ngày 14/7/2000, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) được ký kết, đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước. Kể từ khi BTA được ký kết và có hiệu lực hơn 1 năm sau đó, thương mại luôn là điểm sáng trong quan hệ song phương Việt - Mỹ. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 1,2 tỉ USD năm 2000 lên 45 tỉ USD năm 2015.

Nấc thang đầu tiên

Trong câu chuyện về những kỷ niệm đàm phán BTA Việt - Mỹ, tại cuộc Gặp gỡ nhân dịp 15 năm BTA, do Hội Việt - Mỹ, thuộc Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam vừa tổ chức, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cựu Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Trương Đình Tuyển đánh giá BTA là mốc hội nhập quan trọng mà từ đó chúng ta bắt đầu học và chơi theo luật quốc tế. Ngay sau BTA, hàng loạt bộ luật được ban hành và sửa đổi như: Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, Luật Thương mại đã được viết lại với việc lần đầu tiên xác định rõ quyền tự do kinh doanh của thương nhân.

Dệt may, một trong những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Chỉ hai năm sau khi BTA được ký kết, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đó là động lực quyết định sự tăng trưởng đột biến của những ngành sản xuất, xuất khẩu như dệt may, thủy sản… nhanh chóng khẳng định vị thế xuất khẩu Việt Nam trên bản đồ thương mại thế giới. Sáu năm sau thành công của BTA, Việt Nam tiếp tục vượt qua một cửa ải quan trọng khác, trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Đây tiếp tục là một nấc thang quan trọng trong tiến trình Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhờ những nấc thang đó, đến nay, khi hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, đàm phán những hiệp định thương mại tự do mới, Việt Nam đứng ở một vị thế khác.

Nếu không có TPP

Theo ông Trương Đình Tuyển, vị thế của Việt Nam trong đàm phán TPP rất khác so với khi đàm phán BTA và WTO. Việt Nam là đối tác xin gia nhập ở các đàm phán trước đây. Nhưng với TPP, Mỹ đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam. Khi trở thành nước dẫn dắt TPP,  Mỹ vận động Việt Nam tham gia đầu tiên với lý do Việt Nam có thể sẽ tạo giá trị gia tăng lớn cho hàng hóa Mỹ trong tương lai.

Ngoài mục tiêu trước mắt, về lâu dài, TPP còn là cụm mục tiêu chiến lược, tạo cơ sở địa kinh tế cho chiến lược xoay trục của Mỹ. Nền kinh tế lớn nhất thế giới không  muốn TPP chỉ có 12 thành viên, mà muốn tạo nên một hiệp định trải dài qua các nước ở hai bờ Thái Bình Dương. Nếu Việt Nam là nước phát triển thấp trong TPP đã sẵn sàng thay đổi và chấp nhận TPP, không có lý do gì các nước khác phải băn khoăn, từ đó, hình thành nên một TPP đông đảo như mục tiêu Mỹ kỳ vọng.

Tuy nhiên, khi đo độ rủi ro trong việc phê chuẩn TPP, ông Trương Đình Tuyển nhận định đương kim Tổng thống Barack Obama vẫn hy vọng và quyết tâm trình được TPP vào phiên họp cuối cùng của Quốc hội Mỹ trước khi rời nhiệm sở. Để chuẩn bị cho kế hoạch đó, ông Obama cũng gặp các nhà lãnh đạo Quốc hội để thuyết phục. Tuy nhiên, với những tuyên bố không ủng hộ TTP của Tổng thống đắc cử D. Trump khi đang vận động tranh cử, tỉ lệ dự báo TPP khó đến đích đang nhiều hơn. Và nếu TPP chưa thể tới đích, con đường phát triển quan hệ thương mại, đầu tư Việt - Mỹ còn rất dài.

Những “cái ổ gà”

Trên con đường dài ấy, tất nhiên vẫn tồn tại những khúc mắc mà có vị chuyên gia đã ví von chúng như “những cái ổ gà”. Thủy sản, nông nghiệp hay dệt may đều là những sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và còn tiềm năng. Trong khi đó, Mỹ không chỉ là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới mà còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng dệt may và nhiều nông sản Việt Nam.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của thủy sản Việt Nam. Người tiêu dùng Mỹ hiện tiêu thụ hơn 1 tỷ USD thủy sản Việt Nam 1 năm, chiếm gần 10% giá trị nhập khẩu mặt hàng này của nước Mỹ. Tuy nhiên, chuyện con cá tra của Việt Nam cũng nổi tiếng thế giới nhờ những khó khăn khi vấp phải các vụ kiện chống bán giá, rào cản kỹ thuật… tại thị trường Mỹ.

Theo ông Trương Đình Tuyển, cả Hàng rào kỹ thuật và Vệ sinh an toàn thực phẩm đều là hai chương lớn trong Hiệp định TPP. Về nguyên tắc các nước đều có quyền đưa ra các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sức khỏe người dân, miễn là có cơ sở khoa học. Hiện nay, khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống đã phát triển đến một trình độ nhất định, trong khi Việt Nam chưa có đầy đủ năng lực để bác lại các hàng rào đó, nên nhiều khi ta đã buộc phải chấp nhận. Đó là lý do Việt Nam phải có những thay đổi về cơ bản, cơ cấu lại ngành nghề, hình thành được chuỗi cung ứng, để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của không chỉ thị trường Mỹ.

Theo quan điểm của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, đến nay, nông nghiệp không còn là ngành cổ truyền, hãy phát triển ngành nông nghiệp đa chức năng dựa trên lợi thế so sánh, coi đó là ngành công nghiệp sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm. Thách thức lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam là thách thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi ông cho rằng, cho dù thuế về 0%, nếu doanh nghiệp không đảm bảo được yếu tố này, các thị trường không riêng thị trường Mỹ, sẽ không tiếp nhận nông sản Việt.