📞

Kỳ vọng đột phá với các nước Trung Đông-châu Phi

Thu Trang 11:27 | 27/07/2023
Từ ngày 23-27/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dẫn đầu đoàn Việt Nam thăm chính thức Israel và Ai Cập nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với hai đối tác hàng đầu khu vực Trung Đông-châu Phi.

Chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tới hai đất nước khu vực Trung Đông-châu Phi mang nhiều ý nghĩa khi năm nay Việt Nam kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel (12/7/1993-12/7/2023) và 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Ai Cập (1/9/1963-1/9/2023).

Chuyến thăm là bước triển khai Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông-châu Phi giai đoạn 2016-2025” và Đề án “Tăng cường hợp tác hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Tổng thống Nhà nước Israel Isaac Herzog. (Nguồn: VGP)

Ghi dấu mốc lớn thông qua FTA với Israel

Tại Israel - quốc gia có trình độ phát triển cao về khoa học công nghệ, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở khu vực, đây là lần đầu tiên sau tám năm đoàn Việt Nam do một Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu sang thăm chính thức Israel, đồng thời là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ba thập kỷ quan hệ song phương trong xuyên suốt năm 2023.

Trong chuyến thăm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội kiến Tổng thống Isaac Herzog; hội đàm với Thủ tướng Benjamin Netanyahu; dự lễ kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam và 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Israel; thăm trụ sở Đại sứ quán Việt Nam, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Israel; và thăm các cơ sở mang tính biểu tượng của Israel về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Tại các cuộc tiếp xúc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Israel.

Trong khi đó, phía Israel đánh giá cao vai trò, vị thế cũng như những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua và kỳ vọng chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mở ra cơ hội tốt để thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Hai bên nhất trí cùng thúc đẩy hơn nữa quan hệ thông qua các biện pháp như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao; phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế; đẩy mạnh trao đổi các đoàn doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; nghiên cứu sớm mở đường bay thẳng giữa hai nước nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, du lịch và giao lưu nhân dân.

Nhấn mạnh lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai nước là khoa học - công nghệ và nông nghiệp công nghệ cao, hai bên nhất trí khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực thế mạnh của Israel như khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin…

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng B. Netanyahu cùng chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Israel. (Nguồn: VGP)

Điểm nhấn trong chuyến thăm là việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA), đánh dấu thành quả nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước sau quãng thời gian bảy năm, với 12 vòng đàm phán. Lễ ký kết VIFTA diễn ra dưới sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Israel là quốc gia đầu tiên tại khu vực Trung Đông mà Việt Nam ký kết FTA, trong khi Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký kết FTA.

Việc ký kết VIFTA là dấu mốc quan trọng, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, “khớp nối” các thế mạnh của nền kinh tế hai nước, tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang Israel.

“Trong bối cảnh việc trao đổi đoàn giữa hai bên chưa thực sự hồi phục so với giai đoạn trước dịch Covid-19, chuyến thăm cấp cao đến Israel do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dẫn đầu mở ra những cơ hội và tạo những động lực mới để người dân, doanh nghiệp, địa phương hai nước tiếp tục kết nối, giao thương, trao đổi và chia sẻ, từ đó giúp quan hệ song phương ngày càng gắn kết hơn”.

Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung

Hiệp định này cũng mở ra cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam với khu vực Trung Đông nhiều tiềm năng.

Với dấu mốc lớn này, hai bên hy vọng quan hệ hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại và đầu tư sẽ nâng lên tầm cao mới, kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt mức 3 tỷ USD và cao hơn nữa trong tương lai.

Những kết quả thực chất trong chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã góp phần thắt chặt thêm hợp tác Việt Nam - Israel trong nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, y tế, cho đến giáo dục, đổi mới và khởi nghiệp, đồng thời tạo kỳ vọng về sự đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trong thời gian tới, tương xứng với tiềm năng, mong muốn của Lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam cùng Chủ tịch Thượng viện Ai Cập Abdel-Wahab Abdel-Razek, ngày 26/7. (Nguồn: VGP)

Tăng cường hợp tác truyền thống với Ai Cập

Tại điểm dừng chân thứ hai ở Ai Cập -quốc gia đông dân nhất Bắc Phi, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang hội đàm với Thủ tướng Mostafa Madbouly, hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Abdel-Wahab Abdel-Razek, gặp Phó Chủ tịch thứ nhất Hạ viện Ahmed Saad El-Din Mohamed Abd El-Rehim, làm việc với Tổng thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit, gặp gỡ lãnh đạo các bộ, ngành Ai Cập...

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác song phương, dự Lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Ai Cập và thăm một số cơ sở văn hóa, kinh tế…

Trao đổi với các nhà lãnh đạo Ai Cập, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và kỳ vọng tăng cường quan hệ nhiều mặt giữa hai nước theo hướng toàn diện và hiệu quả, thiết thực. Trong khi đó, phía Ai Cập bày tỏ sự coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.

Khẳng định hai nước còn nhiều dư địa hợp tác với thị trường nội địa mỗi nước hơn 100 triệu dân, hai bên đã trao đổi và nhất trí một số biện pháp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ bạn bè truyền thống bằng các biện pháp như tăng cường trao đổi đoàn các cấp, các ngành, giao lưu nhân dân, củng cố hợp tác hiệu quả.

Về kinh tế, hai bên nhất trí mở cửa thị trường hơn nữa cho các hàng hóa thế mạnh của nhau, khuyến khích doanh nghiệp hai bên tăng cường giao lưu kết nối, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực Halal, tạo điều kiện cho nhà đầu tư của mỗi nước, sớm tổ chức kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ lần thứ sáu để các cơ quan, bộ, ngành hai bên trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác hiện nay…

Ai Cập hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực Bắc Phi. Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Ai Cập năm 2022 đạt gần 600 triệu USD và đang phấn đấu hướng tới mốc 1 tỷ USD. Để tạo đột phá cho hợp tác thương mại, hai bên bàn bạc về việc nghiên cứu đàm phán các hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại trong thời gian tới.

Diễn ra vào dịp hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến thăm trở thành cột mốc quan trọng, góp phần tạo xung lực mới, thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Ai Cập trên các lĩnh vực nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, logistic, văn hóa, giáo dục…

Tựu trung, chuyến thăm của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tới Israel và Ai Cập có điểm chung là các hoạt động tiếp xúc đa dạng với các Lãnh đao, quan chức hàng đầu mỗi nước, đại diện một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiêu biểu và thăm cộng đồng người Việt Nam ở sở tại. Qua đó, chuyến thăm hướng tới những mục tiêu cụ thể, thể hiện sự chủ động, tích cực mở rộng và khai thác chiều sâu quan hệ với hai đối tác quan trọng hàng đầu khu vực Trung Đông-châu Phi, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

“Việt Nam và Ai Cập còn rất nhiều tiềm năng để phát triển hợp tác song phương trong những năm tới. Thị trường nội địa mỗi nước đều có hơn 100 triệu dân còn chưa được khai thác hết. Nếu các ngành sản xuất trong nước của chúng ta có thể chuyển đổi và khai thác thành công các sản phẩm Halal với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước thì không chỉ Ai Cập mà cả các quốc gia Hồi giáo khác sẽ mở ra cho chúng ta một thị trường xấp xỉ 1,8 tỷ người trên khắp thế giới”.

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng