Nhỏ Bình thường Lớn

Kỳ vọng G20!

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gồng mình trở lại quỹ đạo phát triển, với chủ đề “Vượt qua khủng hoảng để cùng tăng trưởng”, Hội nghị G20 mang lại kỳ vọng lớn không chỉ với hơn 1.000 đại biểu, mà với gần 7 tỷ dân sinh sống trên toàn cầu.

Mong muốn nhiều

Nếu như bốn hội nghị trước đều nhằm vào làm thế nào khắc phục được khủng hoảng kinh tế thế giới thì vào thời điểm này, việc bàn bạc để tìm ra phương hướng bảo vệ và phát triển thành quả để các nước có thể phát triển mạnh, bền vững và đồng đều là vô cùng cần thiết. Vì thế, G20 lần này không chỉ tập trung vào các biện pháp để đối phó với khủng hoảng mà còn đưa ra những điều khoản giới hạn rủi ro, tránh để một cuộc khủng hoảng như 2008 tái diễn và nhằm đảm bảo tăng trưởng một cách lâu bền.

Theo đề nghị của chủ nhà Hàn Quốc, “các vấn đề phát triển” sẽ được thảo luận sâu mà ở đó, các nước phát triển sẽ chuyển từ trợ giúp tài chính sang tăng cường tiềm năng tăng trưởng cho các nước đang phát triển.

Nhưng không ảo tưởng

Tuy nhiên, theo Reuters, rất khó khăn để có thể đạt tới những thỏa thuận chung. Trước giờ khai mạc G20 nhưng nhiều thỏa hiệp vẫn chưa thể hoàn tất, cuộc họp trù bị của khoảng 40 đại diện các nước tham dự, gồm các thứ trưởng Tài chính vẫn diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Theo Ban tổ chức G20 Hàn Quốc, Hội nghị này đã không thành công trong việc thảo ra một thông điệp chung.

Cân bằng trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu là chủ đề được tất cả quan tâm, với hy vọng một trật tự tài chính thế giới mới sẽ xuất hiện sau hội nghị. Tuy nhiên, các tuyên bố gần đây của Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và Brazil có thể thấy sự khác biệt giữa các bên là rất lớn.

Tâm điểm của sự chú ý là Mỹ và Trung Quốc. Trong không khí căng thẳng của “cuộc chiến giữa các đồng tiền”, hầu hết các nước đều bất bình với việc Mỹ vừa bơm thêm 600 tỷ USD để mua trái phiếu. Tân Tổng thống Brazil - Dilma Roussef lên án thái độ nước đôi của Washington, một mặt kết tội Bắc Kinh ghìm giá NDT, mặt khác lại cố tình hạ giá USD. Trong khi, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục yêu cầu Trung Quốc thả nổi NDT, vì cho rằng đây là nguyên nhân chính gây ra thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ.

Về vấn đề thặng dư thương mại, thoạt tiên Mỹ muốn đạt được một đồng thuận về việc giới hạn thặng dư ở con số 4% GDP. Tuy nhiên, Đức phản đối mạnh mẽ vì cho rằng thặng dư của nước này là dựa trên chất lượng sản phẩm Đức, chứ không phải dựa trên một đồng tiền được hạ giá.

Tuy nhiên, một số dấu hiệu mới nhất cho thấy các phía có vẻ đang cố gắng tìm cách thu hẹp các bất đồng. Hoa Kỳ đã quyết định từ bỏ sáng kiến giới hạn thăng dư 4% GDP. Chủ tịch Trung Quốc, trả lời tờ Chosunilbro thì cho rằng cần “xây dựng một quan hệ hợp tác cùng thắng trong G20”.

Việt Nam dự G20

Tham dự G20 lần này, ngoài 20 nước thành viên, còn có Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu, với tư cách vừa là Chủ tịch ASEAN, vừa là khách mời.

ASEAN được đánh giá là khu vực phát triển năng động. Việc tham gia vào thảo luận về chiến lước phát triển của thế giới của Việt Nam khẳng định vai trò của ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước thành viên G20, đặc biệt là các nước đối tác ưu tiên của Việt Nam.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo một số nước và gặp gỡ một số tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc. Đồng thời gặp gỡ Tổng thư ký Liên hiệp quốc và lãnh đạo một số nước để bàn về biện pháp thúc đẩy triển khai các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs).

Cúc Nhi