Ngành cao su Thái Lan có nhiều triển vọng trong năm 2022. (Nguồn: Fastyt Thailand) |
Tổng cục Cao su Thái Lan (RAOT) cho biết, quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ sản xuất được 4,9 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay, tăng 1,82% so với một năm 2021. Riêng quý I, ngành cao su nước này dự kiến xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 4,29%,
Thái Lan hiện là nước sản xuất và xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/3 sản lượng cao su toàn cầu mỗi năm. Theo RAOT, Thái Lan cũng dự kiến xuất khẩu khoảng 4,22 triệu tấn cao su trong năm nay, nhiều hơn 2% so với năm 2021.
Bà Athiwee Dangkanit, một quan chức của RAOT, nhận định, xuất khẩu cao su sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu ngày càng tăng đối với cao su trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu cũng như đối với găng tay y tế cao su bởi việc sử dụng loại vật tư này đã tăng lên trong thời kỳ đại dịch.
Theo bà Dangkanit, việc lượng tồn kho cao su thấp ở Thanh Đảo (một cảng chính để nhập khẩu cao su ở miền Đông Trung Quốc), tạo ra nhiều cơ hội để xuất khẩu cao su Thái Lan. Hàng tồn kho ở đó đã giảm đáng kể vào năm 2021 do các chuyến hàng bị trì hoãn và chi phí vận tải cao.
Trong quý đầu tiên của năm nay, xuất khẩu cao su của Thái Lan dự kiến tăng 4,29%, trong khi dự trữ cao su có khả năng giảm theo xu hướng giảm dự trữ tại Thanh Đảo.
Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) ước tính, sản lượng cao su toàn cầu đạt khoảng 14,55 triệu tấn và tiêu thụ ở mức 14,39-14,82 triệu tấn. Tiêu thụ cao su được dự báo sẽ tăng 2-5%, do đó, sản lượng năm 2022 có thể ít hơn nhu cầu.
ANRPC dự báo, yếu tố hỗ trợ cao su năm nay bao gồm điều kiện thời tiết và dịch Covid-19 (dẫn đến nhu cầu nhiều hơn về găng tay cao su và quần áo bảo hộ cá nhân).
Trong khi đó, những thách thức có thể ảnh hưởng đến nhu cầu cao su bao gồm thiếu chất bán dẫn (có thể ảnh hưởng đến sản xuất và phân phối ô tô), tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng.