📞

Kỳ vọng mới về hợp tác kinh tế Việt - Trung năm 2018

13:54 | 23/01/2018
Theo Tổng cục Hải quan, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2017 đạt 93,69 tỷ USD và năm 2018, lần đầu tiên thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc sẽ cán mốc 100 tỷ USD.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2017 đã tăng 21,79 tỷ USD so với năm 2016 và chiếm đến 22% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Nếu chạm mốc 100 tỷ USD, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác thương mại đầu tiên xác lập kỷ lục này.

Đáng chú ý, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,463 tỷ USD, với con số tăng trưởng ở mức rất cao, lên đến gần 61,5% so với năm 2016, tương đương con số tăng thêm 13,503 tỷ USD. Năm 2017 cũng là năm có 13 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 6 nhóm hàng so với năm 2016. Theo đó, thủy sản đạt gần 1,088 tỷ USD, gạo đạt gần 1,027 tỷ USD, cao su đạt 1,445 tỷ USD, dệt may đạt 1,104 tỷ USD, giày dép đạt 1,14 tỷ USD...

Điện thoại tiếp tục là nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu ấn tượng nhất, đạt 7,152 tỷ USD. Đây cũng là mặt hàng đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất với con số tăng thêm 6,352 tỷ USD so với năm 2016 (năm 2016 chỉ đạt 800 triệu USD) và trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào Trung Quốc.

Trung Quốc liên tục 13 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. (Nguồn: Báo Lào Cai)

Nhờ có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, khoảng cách nhập siêu của nước ta với đối tác thương mại lớn nhất cũng được thu hẹp đáng kể khi con số thâm hụt thương mại từ hơn 28 tỷ USD của năm 2016 xuống còn 22,765 tỷ USD trong năm 2017.

Thời gian vừa qua, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc đã có những bước phát triển tích cực, đặc biệt là hợp tác kinh tế. Trung Quốc liên tục 13 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trung Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ 4 của Việt Nam. Cụ thể trong năm 2017, quốc gia này cam kết gần 2,17 tỷ USD thông qua 284 dự án đầu tư mới (vốn 1,4 tỷ USD); 83 dự án tăng vốn (271 triệu USD) và 817 lượt góp vốn, mua cổ phần (hơn 487 triệu USD).

Nếu tính về đầu tư mới thì Trung Quốc thậm chí còn vượt cả Singapore đến gần 100 dự án được cấp phép. Đáng chú ý Trung Quốc còn vượt đến 360 lượt góp vốn, mua cổ phần so với nhà đầu tư Nhật Bản ở hình thức này trong năm 2017. Thành tựu này phần nào phản ánh sự kỳ vọng cũng như coi trọng mà Việt Nam dành cho quan hệ Việt-Trung, đặc biệt là hợp tác kinh tế.