Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Ngô Thị Hòa. |
Bốn mươi tư năm qua, quan hệ Việt Nam - Hà Lan có những nét gì nổi bật, thưa Đại sứ?
Hà Lan là một trong những nước Tây Âu thiết lập quan hệ ngoại giao đầu tiên với Việt Nam sau Hiệp định Paris (1/1973). Ngay cả những năm trước đó, trong lúc Việt Nam còn đang tiến hành công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, Hà Lan đã ủng hộ Việt Nam về tinh thần qua phong trào phản chiến, ủng hộ hoà bình và đã thành lập một bệnh viện tại Đông Hà, Quảng Trị để hỗ trợ cho Việt Nam trong chiến tranh (năm 1968). Hiện nay, bệnh viện đó được lưu giữ như một bảo tàng lịch sử và Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam vẫn tiếp tục hoạt động hỗ trợ Việt Nam từ đó đến nay với nhiều dự án.
Trong quá trình phát triển quan hệ, hai nước đã tìm thấy nhiều đặc điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên và địa lý. Hà Lan nổi tiếng là cường quốc thương mại, quốc gia trị thuỷ, trấn hải, có nền nông nghiệp hiện đại, xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Việt Nam là nền kinh tế nông nghiệp, hướng ra xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ và lao động dồi dào, ở cửa ngõ vào Đông Nam Á. Trong khi đó, Hà Lan là cửa ngõ giao thương của Tây Âu. Người dân hai nước có đặc điểm chung là cần cù, luôn vươn lên, đổi mới và sáng tạo. Chính vì thế, trong 44 năm qua, Việt Nam và Hà Lan từ quan hệ đối tác thông thường đã phát triển lên quan hệ Đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và quản lý nước (2010), rồi quan hệ Đối tác chiến lược về Nông nghiệp bền vững và An ninh lương thực (2014). Từ đó, quan hệ hai bên phát triển không ngừng, toàn diện trên tất cả các mặt và ngày càng đi vào chiều sâu.
Hà Lan luôn coi Việt Nam là đối tác ưu tiên. Chính sách thúc đẩy hợp tác với Hà Lan được Nhà nước, Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ủng hộ cao. Đến nay, hai bên đã xác định năm lĩnh vực hợp tác ưu tiên gồm: thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; nông nghiệp và an ninh lương thực; năng lượng; kinh tế biển và dịch vụ vận tải; thành phố thông minh.
Bước sang giai đoạn mới, những biến động nhanh chóng, sâu sắc của tình hình thế giới và khoa học công nghệ lại đặt ra cho hai nước nhiều thách thức chung cũng như cơ hội mới trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, nông nghiệp, giáo dục và khoa học công nghệ…
Trong thời gian tới, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết và phê chuẩn cũng sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hai nước mở rộng giao thương, xuất khẩu. Mặt khác, trước thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, những vấn đề an ninh khu vực, an ninh toàn cầu, hai nước lại có cơ hội phối hợp với nhau trong các khuôn khổ hợp tác cả song phương lẫn đa phương.
Trong bối cảnh thế giới thay đổi không ngừng, những thách thức chung lại đưa hai nước xích lại gần nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan tin tưởng vào sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai.
Đại sứ Ngô Thị Hòa thăm làm việc tại Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tại TP Amsterdam. |
Đại sứ có thể cho biết điểm đặc biệt trong đối ngoại năm 2017 giữa hai nước, đặc biệt là ý nghĩa chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
Có thể nói, năm 2017 là năm sôi động trong quan hệ hai nước. Ngay từ đầu năm, hai bên đã rất tích cực thúc đẩy triển khai hợp tác trong khuôn khổ Đối tác chiến lược về quản lý và thích ứng với biến đổi khí hậu và Đối tác chiến lược và phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực.
Tháng 3/2017, Thứ trưởng Bộ Kinh tế Hà Lan (phụ trách nông nghiệp) bà Marjolijn Sonnema đã sang Việt Nam chủ trì Hội nghị về An ninh lương thực. Dịp này đã có 55 thỏa thuận ký kết giữa các đối tác Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ ngày 18 - 21/4/2017, đoàn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã sang thăm làm việc và đồng chủ trì Hội nghị liên chính phủ lần thứ 6 về Quản lý nước và Ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên đã nhất trí thúc đẩy các dự án hợp tác trong lĩnh vực này, nhất là Dự án Đồng bằng Sông Cửu Long để ứng phó với nguy cơ nước biển đang, ngập mặn, xói mòn bờ biển.
Ngoài ra, hai bên còn nhất trí cùng nhau hợp tác trong quản lý cảng, dịch vụ hậu cần và nông nghiệp công nghệ cao. Về các lĩnh vực khác, cuối tháng Năm vừa qua, Hoàng hậu Maxima đã tới thăm làm việc tại Việt Nam để thúc đẩy triển khai các dự án tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Đoàn Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Thành thăm và làm việc tại Hà Lan (3/2017) mở ra khả năng hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực an ninh, đặc biệt là an ninh mạng. Ngoài ra còn có rất nhiều đoàn doanh nghiệp, địa phương sang thăm, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của Hà Lan.
Tuy nhiên, dấu mốc ý nghĩa quan trọng nhất trong quan hệ hai nước trong năm 2017 chính là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hà Lan. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hết sức đặt biệt: thứ nhất, đây là chuyến thăm Hà Lan đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, với mục tiêu triển khai mạnh mẽ chính sách đối ngoại rộng mở, hội nhập quốc tế sâu rộng, đưa quan hệ Đối tác chiến lược đi vào chiều sâu. Về phía bạn, Đảng của Thủ tướng Mark Rutte vừa thắng cử với số phiếu cao nhất và ông chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ ba. Với tâm thế mới của hai nhà lãnh đạo, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước. Thứ hai, quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đang triển khai thực chất và đi vào chiều sâu, từng bước mở rộng thêm các lĩnh vực khác trên cơ sở phát huy được thế mạnh của hai bên và cùng có lợi. Thứ ba, hai nước chuẩn bị kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ song phương vào tháng 4/2018.
Với tính chất đặc biệt như vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Hà Lan sẽ mang ý nghĩa vô cùng quan trọng đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hai nước, góp phần củng cố thêm sự tin cậy, đưa quan hệ Đối tác chiến lược đi vào chiều sâu.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có hàng loạt cuộc tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao Hà Lan: Thủ tướng Mark Rutte, Chủ tịch Hạ viện Khadija Arib, Chủ tịch Thượng viện Ankie Broekers-knol, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương của Hà Lan để trao đổi về quan hệ song phương, các vấn đề cùng quan tâm.
Đặc biệt, Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian để tiếp xúc với các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp hàng đầu của Hà Lan như Shell, Heineiken, Unilever và Damen...; tham quan các mô hình phát triển tiên tiến của Hà Lan trong các lĩnh vực: nông nghiệp, cảng biển... Thủ tướng sẽ chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, ý định thư hợp tác và hàng loạt các hợp đồng kinh tế giữa các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chuyển tải thông điệp quan trọng là Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Hà Lan trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục đào tạo... và mở rộng thêm các lĩnh vực hợp tác mới như cảng biển, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng, thành phố thông minh...
Tôi hy vọng rằng qua chuyến thăm, quan hệ hợp tác giữa hai nước sẽ có thêm động lực mới, tiếp tục củng cố và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác chiến lược đã có giữa hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác mới, đáp ứng được yêu cầu và lợi ích của cả hai bên trong bối cảnh hiện nay và tương lai.
Xin cảm ơn Đại sứ!