📞

Lách cấm vận, các tập đoàn lớn vẫn tìm đến nguồn cung kim loại hiếm từ Nga

Thế Hà 05:50 | 30/10/2023
Theo Bloomberg, bất chấp các biện pháp trừng phạt và hạn chế do cuộc xung đột ở Ukraine, một số ngân hàng và doanh nghiệp phương Tây, như Citigroup và Trafigura Group, gần đây đã tích cực tham gia các thỏa thuận mua kim loại với các công ty Nga.
Công nhân đang làm việc tại Công ty Norilsk Niken, nhà sản xuất Niken và palladi lớn nhất thế giới của Nga tại Norilsk. (Nguồn: AP)

Bloomberg trích dẫn các nguồn tin xác nhận Trafigura đã ký một thỏa thuận có thời hạn để mua hơn 100.000 tấn đồng từ công ty Norilsk Nickel của Nga. Ngoài ra, Trafigura còn ký thỏa thuận với công ty Rusal về việc mua khoảng 200.000 tấn nhôm.

Các nhà giao dịch lớn khác, chẳng hạn như Glencore, thông báo từ bỏ hoạt động kinh doanh mới ở Nga, dù vẫn duy trì các hợp đồng cũ. Một số ngân hàng, trong đó có Citigroup, cũng đang tích cực mua nhôm của Nga trên Sàn giao dịch kim loại London (LME).

Theo Bloomberg, Ngân hàng ICBC Standard của Singapore và Tập đoàn Macquarie của Australia cũng có kế hoạch mua kim loại của Nga. Biện pháp này cho phép các công ty bỏ qua mối quan hệ hợp tác trực tiếp với doanh nghiệp Nga và do đó không làm dấy lên sự nghi ngờ của các cơ quan quản lý về việc giúp Moscow né tránh các biện pháp trừng phạt.

Trong khi đó, theo Investigate Europe, các tập đoàn như Airbus và các công ty châu Âu khác vẫn đang mua titan, niken và các mặt hàng khác từ các công ty thân cận với Điện Kremlin kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.

Dữ liệu từ Eurostat và Trung tâm nghiên cứu chung của EU cho thấy, từ tháng 3/2022 đến tháng 7/2023, châu Âu đã nhập khẩu các loại nguyên liệu thô chiến lược và quan trọng từ Nga trị giá khoảng 13,7 tỷ euro. Trong đó, chi mua niken khoảng 1,2 tỷ euro. Trung tâm Chính sách Châu Âu cũng ước tính có tới 90% niken được sử dụng ở châu Âu đến từ các nhà cung cấp từ Nga.

Đặc phái viên của EU về các biện pháp trừng phạt, David O'Sullivan, phát biểu thẳng thắn tại một hội nghị vào tháng 9 vừa qua rằng: "Tại sao các nguyên liệu thô quan trọng không bị cấm? Bởi vì chúng rất quan trọng. EU đang cần những nguyên liệu thô quan trọng này để đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050.

Những mặt hàng này rất quan trọng đối với thiết bị điện tử, tấm pin mặt trời và ô tô điện, cũng như đối với các ngành công nghiệp truyền thống như hàng không vũ trụ và quốc phòng. Thế nhưng, chúng lại đều có nguồn cung khan hiếm, và phân bổ không đồng đều.

(theo Investigate Europe/AP/Bloomberg)