Mỹ báo động, yêu cầu LHQ thảo luận ngay về Triều Tiên sau vụ thử "rất quan trọng" của nước này. (Nguồn: TW News) |
Tối hậu thư mới của Triều Tiên
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có 3 cuộc gặp cấp cao để thảo luận chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông Trump cũng đã nói về Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un như một người bạn, đồng thời đánh giá cao bầu không khí tương đối yên ắng kể từ năm 2017 đến gần đây.
Tuy nhiên, Triều Tiên đang tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện, bao gồm những biện pháp nới lỏng và dỡ bỏ trừng phạt, nhất là trong bối cảnh ông Trump đang trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống đầy cam go vào năm 2020. Triều Tiên đã gia hạn cho Mỹ đến “cuối năm 2019" để nối lại đàm phán. Càng gần đến hạn định này, Bình Nhưỡng càng dồn dập "tung chiêu", từ việc thử tên lửa đến các màn đấu khẩu. Câu hỏi đặt ra đằng sau những động thái này là liệu rằng Triều Tiên có đang cảm thấy bế tắc và bí bách khi giải pháp ngoại giao về vấn đề hạt nhân không đạt được tiến triển nào?
Chiều ngày 7/12, Triều Tiên được cho là đã tiến hành một vụ “thử rất quan trọng” từ căn cứ Sohae. Vụ việc diễn ra đúng vào lúc tại Washington, Tổng thống Mỹ tuyên bố với báo chí ông có “quan hệ rất tốt với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un”. Đáp lại động thái này, Mỹ đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp vào ngày 11/12 về hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên. Đây là sự phản đối mới nhất của Washington trong bối cảnh bế tắc ngoại giao.
Điểm lại, từ tháng 5/2019 đến ngày 28/11/2019, Triều Tiên đã thử 13 quả tên lửa. Hành động này nhằm thể hiện bất bình về các biện pháp trừng phạt kinh tế của cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, Triều Tiên tăng tốc các vụ thử tên lửa nhằm nhắc nhở Mỹ chớ nên xem nhẹ “tối hậu thư” của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, “thế yếu” của Triều Tiên là cỗ máy quân sự nước này có nhiều lỗ hổng. Việc Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, thử nghiệm hàng loạt các loại tên lửa đã không che giấu được điều đó. Cả trên không, trên biển và trên bộ, các chương trình tập huấn thường bị hủy bỏ, khi thì do thiếu xăng, khi thì do trang thiết bị lỗi thời... Vậy phải chăng, Triều Tiên dồn nỗ lực phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân để che đậy và bù đắp lại với những yếu kém của quân đội truyền thống? Các chuyên gia tin rằng trong năm 2020, Triều Tiên sẽ tiếp tục đều đặn thử tên lửa và thử nghiệm các loại vũ khí mới để "nắn gân" Mỹ.
Không chơi ván cờ với Mỹ
Ngay sau vụ thử “rất quan trọng” gần đây của Triền Tiên, Tổng thống Trump đã đưa ra lời cảnh báo Triều Tiên "sẽ phải ngạc nhiên nếu tiếp tục các hành vi thù địch". Đáp lại, ông Kim Yong-chol, nguyên Đặc phái viên đàm phán hạt nhân Triều Tiên tuyên bố: "Có quá nhiều điều ông Trump không biết về Triều Tiên. Chúng tôi chẳng có gì thêm để mất".
Chuyên gia đàm phán của Triều Tiên còn nhấn mạnh về thời hạn chót cuối năm nay mà Bình Nhưỡng đưa ra cho cuộc thương lượng hạt nhân Triều-Mỹ sắp đến gần.
Nếu quá "căng", Triều Tiên có thể mất sự ủng hộ của Trung Quốc. (Nguồn: CNN) |
Ông Kim Yong-chol đã tới Washington và gặp Tổng thống Mỹ hai lần vào năm 2018. Các cuộc đàm phán hạt nhân đã chững lại sau khi cuộc họp hồi tháng 2/2019 giữa ông Trump và ông Kim Jong-un thất bại. Ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ tìm “một cách thức mới” nếu Mỹ duy trì áp lực và các biện pháp trừng phạt, đồng thời đưa ra hạn chót cho Chính quyền Trump để đưa ra các điều khoản mà hai bên đều chấp nhận cho một thỏa thuận.
Frank Aum, chuyên gia cao cấp về Triều Tiên tại Viện Hòa bình Mỹ, cho rằng Bình Nhưỡng đang gia tăng căng thẳng khi nước này tin Mỹ sẽ không vội vàng ký kết một thỏa thuận. Chuyên gia Aum nói: "Triều Tiên đã quyết định rằng họ không muốn chơi ván cờ với Mỹ, khi mà Washington có được mọi lợi thế còn Triều Tiên thì không được lợi gì".
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý rằng Bình Nhưỡng sẽ "tự trói tay" nếu họ thực hiện hành động táo bạo như tiến hành một vụ thử hạt nhân mới hoặc một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa. Mặc dù hai bên đã nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên hồi tháng 10/2019 tại Stockholm, song phía Triều Tiên tuyên bố cuộc đàm phán này thất bại. Rất có khả năng căng thẳng Mỹ - Triều sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi vì không có lối thoát ngoại giao nào mang tính khả thi. Nếu Triều Tiên cảm thấy mệt mỏi với các giải pháp ngoại giao về vấn đề hạt nhân thì nước này khó lòng khởi động lại tiến trình đàm phán cấp chuyên viên.
Nguy cơ mất sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc
Một số chuyên gia khác cũng đã đưa ra bình luận về hành xử sắp tới của Bình Nhưỡng. Christopher Green, Giảng viên Đại học Leiden, Hà Lan khẳng định: "Xung đột đang có chiều hướng quay lại, nhưng điều đó phần nào phụ thuộc vào những sự kiện diễn ra từ nay đến cuối năm. Nếu có tiến triển trong đàm phán với Mỹ, Triều Tiên cũng có thể tìm một cái cớ để lật ngược tối hậu thư của họ".
Jenny Town, Tổng biên tập trang web 38 North của Trung tâm Stimson cho rằng, động thái tới đây của Bình Nhưỡng phụ thuộc vào việc họ hiểu phản ứng của Bắc Kinh và Moscow ra sao, họ vẫn có thể kiềm chế những việc như thử vũ khí hạt nhân để có thể duy trì các thỏa thuận hợp tác mà họ đã có thể nuôi dưỡng. "Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu diễn ra một sự kiện lớn, như thử ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) hoặc thậm chí phóng vệ tinh trước cuối năm nay. Mặt khác, Triều Tiên có nguy cơ mất sự ủng hộ từ Trung Quốc và Nga nếu họ đưa ra các biện pháp quá khiêu khích, sẽ không có lợi cho mục tiêu lớn hơn là tiếp tục phát triển kinh tế", Tổng biên tập Jenny Town nhận định.
Evan Revere, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ với Triều Tiên đánh giá: "Mặc dù chúng ta không thể loại trừ hoàn toàn khả năng Triều Tiên tiến hành một vụ thử hạt nhân hoặc phóng thử ICBM, một trong hai hành động này sẽ được Mỹ và các quốc gia khác xem là đặc biệt khiêu khích và nguy hiểm. Theo tôi, khả năng cao nhất là Triều Tiên sẽ 'phóng vệ tinh' hoặc phóng thử ICBM bay qua Nhật Bản và tới Bắc Thái Bình Dương. Ông Kim Jong-un có thể có lý do để tin rằng phản ứng của Mỹ sẽ 'im ắng' trong sự kiện này giống như họ đã phản ứng với các vụ thử tên lửa đạn đạo khác gần đây".