📞

Lãi suất ngân hàng khó tăng mạnh trở lại

Thùy Vinh 10:30 | 16/03/2021
TGVN. Một số ngân hàng vừa tăng nhẹ lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, tín dụng quý đầu năm tăng chậm, lạm phát không quá áp lực trong năm nay, nên lãi suất khó sớm tăng mạnh trở lại.
Theo nhận định của giới phân tích và cả lãnh đạo ngân hàng, tín dụng quý đầu năm tăng chậm, lạm phát không quá áp lực trong năm nay, nên lãi suất khó sớm tăng mạnh trở lại. (Nguồn: baodautu)

Tăng, giảm trái chiều

Trong khi VPBank, Techcombank tăng lãi suất đầu vào ở một số kỳ hạn ngắn, thì không ít nhà băng quy mô nhỏ lại giảm lãi suất huy động.

Chẳng hạn, Bac A Bank giảm 0,2 - 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn so với kỳ trước. Theo đó, lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống chỉ còn 3,6%/năm, kỳ hạn 6 tháng còn 5,7%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm còn 6,2%/năm.

Tương tự, PVcomBank giảm lãi suất huy động 0,05 - 0,2 điểm phần trăm so với giữa tháng 2/2021. Vietbank giảm 0,2 điểm phần trăm lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. MSB giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi ở tất cả các kỳ hạn.

Hiện lạm phát chưa có dấu hiệu nóng, nên lãi suất cũng khó tăng. Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC kỳ vọng, lạm phát Việt Nam năm 2021 sẽ nằm ở mức trung bình 3%, dưới mức trần 4% theo mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

TS. Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư tại Dragon Capital đánh giá, lạm phát hiện nay của Việt Nam không phải là vấn đề lo lắng như năm 2008 và 2011. Tỷ giá tiền đồng ổn định trong nhiều năm qua và có dư địa để tăng giá trong thời gian tới, nhờ thặng dư cán cân thương mại lên đến 19,5 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2020.

Giảm lãi vay kích cầu tín dụng

Theo SSI Research, thanh khoản tháng 3/2021 được dự báo sẽ tiếp tục dồi dào do huy động tiền gửi đang khá tích cực và Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì định hướng nới lỏng thận trọng, lãi suất liên ngân hàng sẽ vẫn ổn định ở mức thấp.

Duy trì lãi suất ở mặt bằng thấp với thanh khoản dồi dào sẽ giúp các ngân hàng có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp và người dân. Chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là các tổ chức tín dụng tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào để giảm tiếp lãi suất đầu ra, nhằm hỗ trợ khách hàng trong bối cảnh Covid-19 chưa chấm dứt.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2021 để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung, dài hạn…

Mặt khác, các ngân hàng cho hay, hiện tín dụng tăng chậm, nên nhiều khả năng, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp trong một thời gian nữa.

Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB nhận định, tín dụng thường tăng chậm trong quý I hàng năm, do nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp chưa cao, trong khi thanh khoản của ngân hàng hiện khá dồi dào, nên lãi suất khó tăng.

Đánh giá về biến động nhẹ của lãi suất tiền gửi trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đây không phải là xu hướng chung của thị trường, mà chỉ cục bộ ở một vài ngân hàng.

Theo ông Minh, để có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc kỹ bài toán chi phí đầu vào và đầu ra.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, hiện vẫn còn dư địa giảm với cả lãi suất huy động và cho vay. Cụ thể, về chính sách điều hành, VCBS kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt và duy trì thanh khoản hệ thống dồi dào. Theo VCBS, mặt bằng lãi suất cho vay còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá trong khoảng 1 năm trở lại đây.

Đánh giá lãi suất trong thời gian tới, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, lãi suất huy động sẽ dao động trong biên độ hẹp trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trong nửa cuối năm 2021 do tín dụng tốt hơn. Môi trường lãi suất huy động thấp sẽ tiếp tục giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí vốn.

(theo Báo Đầu tư)