Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 3/2023? (Nguồn: CafeF) |
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?
Kể từ sau Tết Nguyên đán, thị trường lãi suất tiền gửi chứng kiến sự điều chỉnh giảm ở hầu hết các kỳ hạn tại ngân hàng thương mại. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cao nhất tại các ngân hàng hiện nay phổ biến từ 8,7-9,5%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Gửi tại quầy:
Ở mức thời hạn từ 1-3 tháng, các ngân hàng có mức lãi suất cao nhất là 6.0% cụ thể là Bắc Á, Đông Á, Kiên Long, PGBank, SCB, VIB, VietCapitalBank… Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất dao động không chênh lệch nhiều từ 4,0 -5,8%. Thấp nhất là ngân hàng CBBank là 3,8% cho kỳ hạn 1 tháng và 3,9% cho kỳ hạn 3 tháng.
Với kỳ hạn 6 tháng, Đông Á giữ mức lãi suất cao nhất so với các ngân hàng còn lại là 9,35%. Thấp nhất là ngân hàng MB, cán mốc 5,7%. Các ngân hàng thuộc Big4 (BIDV, Vietcombank, VietinBank), với mức lãi suất cán mốc 6,0%/năm, ngân hàng Agribank là 6,1%/năm.
Kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là SCB với mức lãi suất 9,95%. Thấp nhất là 6,8%/năm thuộc về ngân hàng MB.
Với những kỳ hạn dài hơn thì ngân hàng SCB có mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng cao nhất là 9,6%/năm cho kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng. Đây chính là mức lãi suất cao nhất trong tháng 1/2023.
Gửi trực tuyến:
Với kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm online có khá nhiều lãi suất ngân hàng hiện nay ở mức hấp dẫn lên đến 6,0% bao gồm: Timo, Bắc Á, Bảo Việt, Kiên Long, PVcomBank, SCB, VIB, TPBank,…
Đối với kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất trung bình 4,75 – 6,0%. Thấp nhất là ngân hàng CBBank với 3,95%/năm.
Với các kỳ hạn từ 12-36 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất, ở mức 9,95%.
"Ông lớn" tung các gói cho vay ưu đãi
Nhóm các ngân hàng quốc doanh đã đồng loạt tung ra các gói cho vay ưu đãi với mức giảm lãi suất lên đến 3%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 7%/năm.
BIDV đã triển khai gói vay cá nhân mới với quy mô 130.000 tỷ đồng. Trong đó, 30.000 tỷ đồng dành cho nhóm khách hàng cá nhân vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn,100.000 tỷ đồng dành cho gói vay dài hạn (trên 12 tháng) phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, với gói ngắn hạn khách hàng tham gia sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng.
Với gói vay dài hạn, khách hàng sẽ nhận được lãi suất ưu đãi 10,3%/năm trong 12 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân hàng lần đầu hoặc 10,9%/năm trong 18 tháng đầu tiên kể từ thời điểm giải ngân lần đầu đối với khách hàng cá nhân vay vốn trung dài hạn theo sản phẩm cho vay phục vụ nhu cầu nhà ở.
Ngoài ra, ngân hàng áp dụng giảm thêm 0,2-0,4% cho khách vay mua nhà đáp ứng một số điều kiện như trả lương qua BIDV, mua nhà tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
VietinBank cũng tung ra gói 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng VNĐ, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến 30/6 sẽ được ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm. Gói ưu đãi áp dụng cho các doanh nghiệp SME lần đầu vay vốn tại VietinBank hoặc chưa giải ngân khoản vay trong vòng 6 tháng qua.
Còn Agribank thông báo áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản.Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024.
Cụ thể, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.
Tại Vietcombank, ngân hàng cho hay, kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 30/4/2023 sẽ tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Với các đối tượng khách hàng thuộc diện được hỗ trợ, Vietcombank sẽ chủ động giảm lãi suất mà khách hàng không cần phải đề nghị, tiết giảm tối đa chi phí, thời gian đi lại cho khách hàng, đồng thời tạo sự minh bạch trong việc áp dụng chính sách lãi suất đồng đều đến tất cả các khách hàng thuộc đối tượng được hỗ trợ.
"Sức khỏe" của các ngân hàng đã tốt hơn
Bà Trần Kiều Oanh - Trưởng phòng Khối Phân tích định chế tài chính của FiinGroup nhận định, trên bình diện chung, “sức khỏe” của các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều so với thời điểm bong bóng bất động sản, khủng hoảng kinh tế cách đây 10 năm.
Có thể thấy, hệ thống ngân hàng đã sẵn sàng ứng phó với rủi ro nhờ bộ đệm dự phòng lớn với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đạt 123% vào năm 2022, cao gấp đôi so với trung bình 61% của 10 năm trước. Đặc biệt có những ngân hàng tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao như tại Vietcombank tỷ lệ này ở mức 317%; MB cũng duy trì ở mức 238%; tại BIDV là 217%...
Tất nhiên không phải tất cả các ngân hàng đều cải thiện được bộ đệm dự phòng dày dặn mà vẫn còn một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng. Những ngân hàng này sẽ đối diện rủi ro hơn khi thị trường biến động.
Điểm sáng tiếp theo, theo bà Trần Kiều Oanh là kỳ vọng tăng trưởng thu nhập lãi sẽ được cải thiện vào nửa cuối năm 2023. Bà Oanh cho rằng, môi trường lãi suất cao sẽ hút tiền gửi chảy lại vào hệ thống ngân hàng, làm giảm áp lực chi phí vốn, giúp ngân hàng có dư địa cải thiện thu nhập lãi.
Đồng thời, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được định hướng kiềm chế đà tăng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống.
Cùng với đó, thu nhập từ phí và hoa hồng tiếp tục đóng góp tích cực cho lợi nhuận của ngân hàng, phần nào giúp giảm sự phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng.
Nỗ lực số hóa và việc ký kết các hợp đồng phân phối bảo hiểm mới sẽ tạo dư địa bán chéo lớn vẫn sẽ mang về nguồn thu nhập ổn định trong năm 2023 và những năm tiếp theo.