Lãi suất ngân hàng kỳ vọng sẽ tăng ở mức khiêm tốn từ nay đến cuối năm 2021. (Nguồn: Cafeland) |
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất?
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiết kiệm tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng là 4%/năm. Tuy nhiên, trên thị trường, đa số ngân hàng đều niêm yết lãi suất thấp hơn mức này.
Ở kỳ hạn 3 tháng, VietBank, GPBank là niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức tối đa 4%/năm. Thấp hơn một chút có NamABank, SCB (3,95%/năm), OCB, PVCombank (3,9%/năm)...
Dưới 3,5%/năm, có Vietcombank chỉ 3,2%/năm; ACB, Techcombank (3,3%/năm), MB, Sacombank (3,4%/năm)...
Ở kỳ hạn 6 tháng, CBBank đang là ngân hàng có lãi suất kỳ hạn 6 tháng cao nhất với 6,25%/năm. Theo sau có NCB (6,05%/năm), NamABank, VietABank (6%/năm).
Vietcombank (3,8%/năm), VietinBank, BIDV, Agribank (4%/năm) là những ngân hàng có lãi suất thấp nhất ở kỳ hạn này.
Ở kỳ hạn 9 tháng, đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất huy động kỳ hạn 9 tháng hiện từ 3,8%/năm đến 6,35%/năm. Trong đó, CBBank có lãi suất cao nhất (6,35%/năm), sau đó đến NCB và SCB (6,2%/năm). Một số ngân hàng khác có lãi suất ở mức 6%/năm là NamABank, GPBank, VieABank.
Ngoài ra, một số ngân hàng cộng thêm lãi suất đối với hình thức gửi tiết kiệm. Như NamABank áp dụng lãi suất kỳ hạn 9 tháng với gửi online là 6,2%/năm, SCB áp dụng 6,6%/năm...
Ở kỳ hạn 12 tháng, SCB đang là ngân hàng có lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao nhất với 6,8%/năm, áp dụng cho cả hình thức gửi tại quầy và gửi online.
Các ngân hàng có lãi suất cao tiếp theo là CBBank (6,55%/năm), VietABank, Kienlongbank (6,5%/năm)...
Ở kỳ hạn 24 tháng, Kienlongbank, SCB, VietABank là những ngân hàng có lãi suất cao nhất, lần lượt là 6,75%/năm, 6,8%/năm, 6,9%/năm.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng niêm yết trên 6,5%/năm gồm BacABank, VietABank, NCB, BaoVietBank, OceanBank, PVCombank, CBBank.
Dự báo lãi suất từ nay đến cuối năm
Không tính đợt biến động ngắn mang tính chất mùa vụ của lãi suất liên ngân hàng trước và sau Tết Nguyên đán, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở vùng 0,2-0,3%/năm với kỳ hạn qua đêm trong suốt 9 tháng qua.
Trong 2 tháng gần đây, lợi tức trái phiếu chính phủ có nhích tăng tuy nhiên vẫn đang ở vùng thấp lịch sử.
Trong quý I/2021, một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng/giảm từ 0,1%-0,4% tập trung vào các kỳ hạn ngắn và khách hàng cá nhân.
Hầu hết giữ nguyên mức lãi suất tiền gửi ở mức 3-4%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,5-5,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 4,6-6%/năm với kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI nhận định: "Dù lãi suất tiền gửi giảm sâu xuống mức thấp chưa từng có nhưng huy động của các ngân hàng vẫn rất khả quan, cùng với đó là sự sụt giảm của cầu tín dụng khiến cho chênh lệch tiền gửi - tín dụng từ đầu năm 2020 đến nay giãn khá rộng".
Các chuyên gia của công ty chứng khoán Rồng Việt dự báo, lãi suất có thể tăng nhẹ vào năm 2021.
Tín dụng trong quý I/2021 tăng tốc nhiều hơn năm trước trong khi tăng trưởng huy động vốn không tăng cùng tốc độ có thể là nguyên nhân khiến lãi suất huy động gần đây tăng lên.
Từ đầu tháng 3/2021, lãi suất huy động ngân hàng bắt đầu nhích lên sau một thời gian dài các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất.
Hầu hết các ngân hàng thương mại đều tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn từ 0,1-0,2%, Techcombank là một ngoại lệ khi tăng mạnh lãi suất huy động các kỳ hạn thêm 0,4-0,7%. Các đợt tăng lãi suất huy động gần đây cho thấy, lãi suất đối với tiền gửi khách hàng dường như đã chạm đáy.
Chuyên gia của Công ty chứng khoán Rồng Việt nhận định: "Chúng tôi kỳ vọng lãi suất sẽ tăng ở mức khiêm tốn vào năm 2021 do lạm phát vẫn được kiểm soát và chính sách tiền tệ vẫn đang duy trì hướng hỗ trợ".