📞

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất tháng 9/2022?

Gia Thành 07:06 | 01/09/2022
"Đường đua" lãi suất liên tục tăng nóng, với sự tham gia của hàng loạt ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất khi gửi tiết kiệm trực tuyến.
Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay? (Nguồn: Vietnammoi)

Lãi suất ngân hàng nào cao nhất hiện nay?

Từ cuối tháng 7/2022 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng đáng kể, thậm chí có nơi tăng lãi suất tiền gửi hơn 1 điểm % so với trước đó.

Nguyên nhân chính khiến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh là do tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng mạnh, trên 88.000 tỷ đồng, cao nhất kể từ năm 2019 tới nay.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt: “Việc NHNN quay trở lại hút ròng mạnh trong tuần vừa qua cũng cho thấy lãi suất liên ngân hàng khó có thể giảm sâu hơn mặt bằng hiện tại”.

Lãi suất tiết kiệm khi gửi tại quầy:

  • Ở mức thời hạn từ 1-3 tháng, các ngân hàng có mức lãi suất cao nhất là 4% cụ thể là GPBank, PGBank, SCB, VIB. Ngoài ra, các ngân hàng còn lại có mức lãi suất dao động không chênh lệch nhiều từ 3,5-3,9%. Thấp nhất là ngân hàng MBBank với 2,9% cho kỳ hạn 1 tháng, ngân hàng Vietcombank là 3,3% cho kỳ hạn 3 tháng.
  • Với kỳ hạn 6 tháng, CBBank giữ mức lãi suất cao nhất so với các ngân hàng còn lại là 6,5%. Thấp nhất là các ngân hàng thuộc Big4 (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank), với mức lãi suất cán mốc 4%/năm.
  • Kỳ hạn 12 tháng, ngân hàng có lãi suất cao nhất là SCB với mức lãi suất 7,3%. Thấp nhất là 5,39%/năm thuộc về ngân hàng MBBank.
  • Với những kỳ hạn dài hơn như 18, 24 tháng, ngân hàng SCB có mức lãi suất tiết kiệm ngân hàng cao nhất là 7,3%/năm cho kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng.

Lãi suất tiết kiệm khi gửi trực tuyến:

  • Với kỳ hạn 1 tháng, khi gửi tiết kiệm online có khá nhiều lãi suất ngân hàng hiện nay ở mức hấp dẫn lên đến 4% bao gồm: SCB, PVcomBank, VIB.
  • Đối với kỳ hạn 3 tháng, hầu hết các ngân hàng đều dao động mức lãi suất trung bình 3,85 – 4%. Thấp nhất là ngân hàng Hong Leong Bank với 3,3%/năm.
  • Với các kỳ hạn từ 12- 36 tháng, SCB là ngân hàng chiếm thứ hạng lãi suất cao nhất: kỳ hạn 12 tháng là 7,3%, kỳ hạn 18-36 tháng là 7,55%.

Lãi suất cho vay tăng theo lãi suất huy động

Theo giới chuyên môn, lãi suất huy động tăng đang góp phần tạo sức ép điều chỉnh lãi suất cho vay.

Lãnh đạo một số NH thương mại lý giải việc lãi suất huy động tăng nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngay trong trường hợp NHNN nới room tín dụng vào cuối năm.

Đồng thời, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,4% nhưng tăng trưởng huy động vốn chỉ khoảng 4,51% - tốc độ huy động vốn khá thấp - nên lãi suất huy động đẩy lên để kích thích người gửi tiền, bảo đảm thanh khoản.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định: "Dù không quá lo ngại cuộc đua tăng lãi suất huy động sẽ tiếp diễn nhưng áp lực điều chỉnh lãi suất cho vay là có. NHNN đặt mục tiêu phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất hoặc có thể giảm lãi vay từ 0,5%-1%/năm nhưng trong bối cảnh hiện tại là rất khó".

Hiện nay, lãi suất cho vay đã nhích lên ở một số NH thương mại. Thực tế cho thấy nhiều người vay mua nhà đang phải trả lãi suất từ 11%-12%/năm ở các NH thương mại, trong khi không còn các gói tín dụng ưu đãi như trước đây. Một số doanh nghiệp cũng thông tin đã nhận được thông báo tăng lãi suất cho vay, với mức tăng khoảng 0,5 điểm % so với trước.

Theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, động thái tăng lãi suất huy động của một số NH thương mại vừa qua có thể nhằm đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) để tránh việc mất cân đối tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn.

Có điều, khi lãi suất đầu vào tăng và room tín dụng hạn chế, các NH thương mại sẽ cân nhắc kỹ hơn việc giải ngân cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: "Lãi suất huy động vẫn tăng trong khi room tín dụng chưa được nới là không có mâu thuẫn. Bởi nửa đầu năm nay, các NH đã đẩy tốc độ cho vay quá nhanh và giờ là lúc phải tái cơ cấu cho vay, tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh thay vì đổ vốn vào bất động sản.

Riêng việc tăng lãi suất cho vay, các NH cần cân nhắc việc doanh nghiệp và thị trường có chấp nhận hay không, khi áp lực lạm phát vẫn cao, khó khăn trên thị trường quốc tế vẫn rất lớn".