Thung Lũng Vàng - Khu du lịch sinh thái Đankia - Suối Vàng. (Nguồn: Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng) |
Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên có độ cao chênh lệch từ 300 đến 1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18-25oC với diện tích 9.781,20 km2. Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa - tỉnh Ninh Thuận; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bình Phước.
Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm hai thành phố và 10 huyện; thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là Khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn, Lâm Đồng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Đột phá phát triển hạ tầng giao thông
Là tỉnh nằm hoàn toàn trong nội địa, trên khu vực cao nhất của vùng Tây Nguyên nên giao thông của Lâm Đồng không thuận lợi. Địa phương không có hệ thống giao thông đường thủy, không có cảng sông, cảng biển. Tỉnh hiện có sân bay Liên Khương kết nối với một số sân bay trong nước, nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của du khách. Việc đi lại của người dân và hoạt động vận chuyển hàng hóa chủ yếu thực hiện thông qua các tuyến đường bộ. Tuy nhiên, việc di chuyển trên một số tuyến đường này khá nguy hiểm vì đèo dốc phức tạp, thường xuyên sạt lở vào mùa mưa và tình trạng quá tải do lượng phương tiện ngày càng tăng.
Hệ thống giao thông còn nhiều bất cập là nguyên nhân khiến không ít doanh nghiệp trong và ngoài nước e ngại khi đầu tư vào Lâm Đồng. Việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực của địa phương như rau, hoa, cà phê, bauxite… gặp nhiều khó khăn, chi phí logistics tăng cao, ảnh hưởng lớn tới thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.
Với quyết tâm phá thế cô lập, tăng cường kết nối vùng, đồng thời khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị, giao thông. Trong lĩnh vực giao thông triển khai đầu tư năm công trình trọng điểm gồm đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây-Liên Khương; đầu tư nâng cấp các tuyến Quốc lộ 27, 27C, 28B, 55”.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Lâm Đồng cho biết, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã ưu tiên các nguồn lực của trung ương và địa phương, cho các công trình, dự án trọng điểm, bức xúc và triển khai hàng loạt dự án giao thông quan trọng như: một số dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương, đường tỉnh ĐT.724, ĐT.721; hoàn thành cải tạo, mở rộng và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông quan trọng trong nội ô TP. Đà Lạt; sửa chữa nâng cấp một số đoạn Quốc lộ 27, 27C, QL.55 và đèo Mimosa. Cuối năm 2021, Lâm Đồng khởi công xây dựng tuyến đường vành đai thành phố Đà Lạt dài 7,5km với tổng kinh phí khoảng 800 tỷ đồng; chuẩn bị khởi công trong năm 2022 các dự án đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương (gồm ba đoạn Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương; nâng cấp mở rộng tuyến QL.28B nối với tỉnh Bình Thuận; nâng cấp mở rộng đèo Mimosa, đèo Prenn cải thiện giao thông ra vào cửa ngõ thành phố Đà Lạt; xây dựng tuyến đường tỉnh ĐT.722, kết nối huyện Lạc Dương và Đam Rông; đầu tư xây dựng các dự án giao thông vành đai liên kết đô thị như đường Cam Ly - Phước Thành; đường nối Prenn - Xuân Thọ, đường Liên Nghĩa – Thạnh Mỹ…
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2025, tuyến cao tốc này sẽ tăng cường kết nối Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo động lực để Lâm Đồng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoàn thành mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI là đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện, tự cân đối thu chi ngân sách. Địa phương rất mong Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án đặc biệt quan trọng này”.
Đẩy mạnh du lịch an toàn và bền vững
Những yếu tố “địa lợi, nhân hòa” mang đến cho Lâm Đồng những tiềm năng to lớn để phát triển các loại hình du lịch riêng có, từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với cộng đồng, du lịch lễ hội - sự kiện, du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm) cho đến du lịch thể thao mạo hiểm…
Sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm tại thác Datanla. (Nguồn: Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng) |
Năm 2021, khi làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát mạnh, ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề, khó khăn chồng chất khó khăn. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, ngành du lịch Lâm Đồng đang từng bước khôi phục lại hoạt động.
Song song với việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, giúp các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn phục hồi hoạt động trong tình hình mới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cũng tập trung hướng dẫn các doanh nghiệp điều chỉnh lại hoạt động, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với trạng thái bình thường mới; quảng bá hình ảnh Đà Lạt - Lâm Đồng “Điểm đến an toàn, tiềm năng và khác biệt” trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội; nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế về đêm; xây dựng chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”; khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết hợp tác để phát triển ổn định và bền vững hơn sau dịch.
Sở cũng tham mưu quy hoạch và mở rộng không gian du lịch, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng theo từng cụm du lịch, như: cụm Đà Lạt và vùng phụ cận (TP. Đà Lạt, huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đam Rông, Đơn Dương và Lâm Hà); Bảo Lộc và vùng phụ cận (TP. Bảo Lộc, huyện Di Linh và Bảo Lâm); các huyện phía Nam (Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên); quy hoạch các tuyến du lịch nội vùng từ Đà Lạt đi TP. Bảo Lộc và các huyện; tuyến liên kết vùng Tây Nguyên - Duyên hải Nam Trung bộ - Miền Đông Nam Bộ - vùng ĐBSCL - các tỉnh phía Bắc và tuyến du lịch quốc gia - quốc tế. Sở kiến nghị đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng lấy chất lượng làm trọng tâm.
Mặt khác, tỉnh Lâm Đồng cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu, điểm du lịch chất lượng cao; ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh tiến độ dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc; khu đô thị, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh; Khu du lịch Đankia - Suối Vàng; Khu du lịch Hồ Prenn; Núi Sa Pung để tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển; chủ động phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh cao và có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu du lịch Đà Lạt -Lâm Đồng.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân địa phương phát triển mô hình du lịch canh nông, góp phần tạo nên nét đặc trưng của du lịch Đà Lạt – Lâm Đồng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 mô hình du lịch canh nông được công nhận để đưa vào phục vụ khách tham quan. Tỉnh cũng xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” nhằm quảng bá các mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương và du lịch canh nông đến với du khách trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có 10 đơn vị du lịch canh nông được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, qua đó góp phần từng bước lan tỏa thương hiệu du lịch Lâm Đồng ra quốc tế.
Hơn thế, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch nhằm tạo nên một chuỗi du lịch giá trị bền vững với nhiều lựa chọn khác nhau cho du khách. Việc áp dụng chuyển đổi số giúp cung cấp thông tin, định vị điểm đến nhằm tạo hệ thống mạng lưới liên kết giữa các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, để từ đó khách du lịch khi đến Lâm Đồng có thể dễ dàng tìm hiểu và đưa ra sự lựa chọn thích hợp cho chuyến tham quan của mình.