📞

Lạm phát: Argentina tăng 78,5%, Thụy Điển cao nhất ba thập niên, IMF nói tình hình vẫn còn dai dẳng

Việt An 08:51 | 15/09/2022
Ngày 14/9, các số liệu thống kê chính thức được công bố cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong tháng 8 tại Thụy Điển đã tăng lên mức cao nhất trong ba thập niên.
Lạm phát của Thụy Điển chạm mức cao nhất ba thập niên. Một tuyến đường ở Stockholm, Thụy Điển. (Nguồn: Flypgs)

Cụ thể, lạm phát chỉ số giá tiêu dùng với lãi suất cố định (CPIF) chu kỳ 12 tháng của Thụy Điển đã tăng lên mức 9% trong tháng 8, tăng so với mức 8% trong tháng 7.

Lạm phát tăng trong tháng 8 dù giá nhiên liệu đã thấp hơn so với tháng 7. Tuy nhiên, giá điện tiếp tục tăng, thêm 9% so với tháng 7và tăng 51,4% so với một năm trước đó.

Carl Martensson, chuyên gia thống kê của Cơ quan Thống kê Thụy Điển cho hay, giá thực phẩm và đồ uống không có cồn đã tăng hằng tháng kể từ tháng 12/2021. Giá bảo trì và sửa chữa nhà ở, trang bị nội thất và thiết bị gia dụng, thực đơn nhà hàng, dịch vụ lưu trú cũng như các hàng hóa và dịch vụ khác cũng tăng.

Tổng cộng, giá các mặt hàng này đã tăng 14,03% trong 12 tháng qua.

Cùng ngày, Viện Thống kê và Điều tra Argentina công bố báo cáo cho thấy, lạm phát tại quốc gia Nam Mỹ này trong tháng 8 đã tăng 78,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 7% so với tháng trước đó.

Trong 8 tháng tính từ đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này đã tăng 56,4%, mức cao nhất kể từ năm 1991. Đà tăng lạm phát tại Argentina trong tháng vừa qua đã giảm nhẹ so với mức tăng 7,4% trong tháng 7.

Tháng trước, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Sergio Massa thừa nhận rằng, tháng 7 và tháng 8 sẽ là hai tháng "khó khăn" nhất năm 2022 trong vấn đề lạm phát.

Tuy nhiên, ông Massa cho rằng kể từ tháng 9, đà tăng lạm phát sẽ chững lại nhờ các biện pháp do Chính phủ đưa ra, bao gồm kiềm chế thâm hụt tài khóa, cắt giảm phát hành tiền tệ, và gia tăng dự trữ ngoại tệ nhằm ổn định các biến số kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng trung ương Argentina cũng đã tăng lãi suất lên 69,5% trong tháng 8/2022 nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Chia sẻ về vấn đề lạm phát, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho hay, các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu phải kiên trì trong việc chống lại lạm phát trên diện rộng.

Bà Georgieva nói: "Tình hình lạm phát cao vẫn còn dai dẳng, và nó bao phủ trên phạm vi rộng hơn chúng ta tưởng. Điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương cần kiên quyết hơn trong việc chống lại lạm phát".

Theo Tổng Giám đốc IMF, nếu chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hoạt động tốt, tình hình có thể bớt căng thẳng trong năm 2023, nhưng nếu chính sách tài khóa không được nhắm mục tiêu đầy đủ, nó có thể trở thành "kẻ thù của chính sách tiền tệ và thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa".

(theo Reuters, TTXVN)