Lạm phát đang bùng nổ tại Mỹ, giá xe ô tô mới và ô tô đã qau sử dụng tăng vọt. (Nguồn: EPA) |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, thước đo lạm phát quan trọng của quốc gia, đã tăng 0,9% trong tháng 6/2021 so với tháng 5/2021 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất trong 13 năm qua.
Phần lớn kết quả này là do giá xăng dầu đã tăng cao hơn nhiều so với mức của mùa hè năm ngoái. Năm 2020, đại dịch đã khiến mọi người ít sử dụng xe ô tô và giá dầu giảm mạnh. Nhưng năm nay, du lịch đã trở lại và nhu cầu về khí đốt, dầu mỏ cũng vậy. Giá gas tăng 45,1% so với một năm trước đó.
Giá thực phẩm cũng tăng 2,4% trong 12 tháng qua. Dịch vụ ăn uống tại các nhà hàng tăng 4,2%.
Giá ô tô đã qua sử dụng đã tăng 10,5% so với tháng 5/2021 - mức tăng kỷ lục lớn nhất trong gần 70 năm qua và đạt mức tăng đáng kinh ngạc là 45,2% trong 12 tháng qua.
Giá ô tô mới cũng tăng 5,3% so với năm ngoái. Giá ô tô đang được thúc đẩy bởi nhu cầu di chuyển tăng mạnh, do nền kinh tế hàng đầu thế giới mở cửa trở lại nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Các công ty cho thuê xe gặp khó khăn trong việc tăng lượng xe và tình trạng thiếu chip trên toàn cầu cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất ô tô.
Đợt bùng nổ lạm phát sẽ sớm qua đi?
Mặc dù lạm phát kéo dài có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới lo ngại, nhưng có lý do để tin rằng, sự tăng giá mạnh mẽ thời gian gần đây sẽ chỉ là tạm thời. Lạm phát tăng vọt một phần do giá cả đang trở lại mức bình thường, sau thời gian nền kinh tế rơi vào suy thoái. Điều đó khiến các phép so sánh giữa các năm thể hiện mức chênh lệch lớn.
Phân tích này đặc biệt đúng với giá cả của các dịch vụ du lịch. Ví dụ, giá vé máy bay tăng 24,6% trong 12 tháng qua, trong khi giá khách sạn và nhà nghỉ tăng 15,1%. Nhưng cả hai mức tăng này vẫn ở dưới mức mà Mỹ ghi nhận vào tháng 6/2019, thời điểm trước đại dịch.
Các nhà kinh tế, bao gồm cả những quan chức tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu rằng, đợt bùng nổ lạm phát này sẽ sớm qua đi.
Một số nhà kinh tế đồng ý với quan điểm của Fed rằng, áp lực lạm phát sẽ bắt đầu giảm bớt trong nửa cuối năm nay.
Nhà kinh tế trưởng tại PNC Financial Gus Faucher nhận định: “Những con số lạm phát đã xuất hiện trong những tháng gần đây, nhưng lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát.
Giá một số khu vực trong nền kinh tế như, ô tô đã qua sử dụng và cho thuê, giá vé máy bay và khách sạn đang tăng chóng mặt nhưng đây là sự so sánh với mức giá suy một năm trước - khi đại dịch đang bùng phát mạnh. Điều này dẫn đến con số lạm phát ở mức cao”.
Không chỉ là nhất thời
Dù vậy, không phải tất cả các nhà kinh tế đều tin rằng, tác động của đại dịch đối với lạm phát sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Giáo sư kinh tế tại Đại học Marymount (Mỹ) Sung Won Sohn cho biết, bức tranh lạm phát ngày càng ít mang tính nhất thời.
Vị chuyên gia này nhận thấy: “Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nhu cầu tăng vọt sau khi đại dịch dần được kiểm soát là những lý do để tin, mọi thứ chưa thể trở lại bình thường trong vài tháng nữa”.
Ông Sung Won Sohn chỉ ra rằng, tình trạng thiếu lao động sẽ khiến các nhà hàng, nhà máy phải tăng lương để thu hút nhân lực. Chi phí lao động tăng cũng góp phần đẩy lạm phát tăng cao trong tương lai.
Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa đang vượt mức tăng lương trong năm nay, điều này khiến gánh nặng tài chính đối với hàng triệu hộ gia đình Mỹ ngày càng trở nên khó khăn hơn.
Thu nhập trung bình hàng giờ tăng 3,6% trong tháng 6 so với một năm trước đó. Đây là mức tăng vững chắc, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức lạm phát hiện tại.
Đồng quan điểm, nhà kinh tế cấp cao của ngân hàng đầu tư Wells Fargo Sarah House cũng nhận định, áp lực lạm phát vẫn còn gay gắt và sẽ tồn tại trong một thời gian dài hơn.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh: “Chúng tôi đang nhìn thấy những khu vực sẽ có áp lực lạm phát liên tục, ngay cả sau khi thị trường đã vượt qua một số đợt tăng giá nghiêm trọng ở một số lĩnh vực”.
Bên cạnh đó, nếu giá cả vẫn tăng vọt và lạm phát tiếp tục vượt quá kỳ vọng, ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt nền kinh tế.
Nhà kinh tế trưởng tại High Frequency Economics Rubeela Farooqi cho biết, sự thiếu hụt chất bán dẫn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau khi nền kinh tế mở cửa trở lại có thể kéo dài trong suốt phần còn lại của năm nay. Điều đó có thể khiến Fed khó thực hiện cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ.
Bà Farooqi nói: “Dù áp lực giá có thể chỉ là tạm thời nhưng những tác động từ lạm phát kéo dài càng lâu, thì càng có nhiều thách thức để gắn bó với một chính sách tiền tệ".
Không chỉ các nhà kinh tế học, người tiêu dùng Mỹ cũng đang quan tâm hơn đến giá cả.
Ông Jay Bodenstein, 73 tuổi, ở The Villages, Floria cho rằng, giá thực phẩm, tiền thuê nhà, xăng dầu, bảo hiểm ô tô, chăm sóc sức khỏe và du lịch đang tăng lên. Ông cho hay, ông và vợ đã ít ăn tối tại nhà hàng hơn, một phần vì giá cả cao hơn và lo lắng về biến thể Delta.
Một cuộc khảo sát về người tiêu dùng của Fed cũng cho thấy, người tiêu dùng dự đoán, mức lạm phát tăng 4,8% hàng năm sẽ kéo dài ít nhất trong một năm tới. Đây là mức cao nhất kể từ khi Fed tiến hành thực hiện khảo sát vào năm 2013.