Lạm phát Mỹ đạt mức cao nhất trong hơn 40 năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6% trong tháng 5/2022. (Nguồn: WSJ) |
Lạm phát tăng đột biến
Tháng 5/2022, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy, tỷ lệ lạm phát đạt mức cao nhất trong 40 năm, do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,6%. Mức lạm phát này là cao nhất kể từ năm 1981 và cao gấp hơn 4 lần so với mức chuẩn 2% mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đặt ra, để đảm bảo nền kinh tế phát triển lành mạnh.
Theo các nhà kinh tế, lạm phát Mỹ tăng lên đỉnh cao mới chủ yếu do giá năng lượng tăng vọt (tăng thêm 34,6% trong vòng một năm qua), các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng do Covid-19 gây ra, lực cầu hàng hóa nhiều hơn và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, giá năng lượng đã tăng 34,6% trong năm qua, tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2005, còn giá lương thực tăng 10,1%, lần đầu vượt mức 10% hồi tháng 3/1981.
Chi phí tăng vọt đang gây áp lực nặng nề lên các gia đình Mỹ. Thu nhập thực tế sau khi tính đến lạm phát giảm 0,6% trong tháng 4/2022, ngay cả khi lương theo giờ tăng 0,3%. Tính trong 12 tháng, thu nhập thực tế theo giờ giảm 3%.
Theo số liệu của Đại học Michigan, chỉ số đo lường mức độ lạc quan của người tiêu dùng đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978. Con số này thấp hơn thời điểm làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020, cuộc khủng hoảng tài chính và khi lạm phát đạt đỉnh vào năm 1981.
Tháng 5/2022, Tổng thống Biden nói rằng: "Tôi biết rằng tất cả các gia đình trên khắp nước Mỹ đang bị tổn thương do lạm phát. Chính vì thế, tôi muốn mọi người dân Mỹ hiểu rằng, tôi rất lo lắng về tình hình hiện nay và đó là mối quan tâm số một của tôi".
Tổng thống Mỹ đang tiến vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng vào mùa Thu. Trước tình hình lạm phát trong nước tăng nóng, ông Biden buộc phải "ra tay" để ngăn lạm phát, nếu không, đảng Dân chủ có nguy cơ mất quyền kiểm soát tại Hạ viện và Thượng viện.
Xóa bỏ thuế quan để... giúp Mỹ?
Ngày 8/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố, Washington sẽ xem xét dỡ bỏ một số loại thuế trừng phạt được áp đặt từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với hàng hóa Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ cung cấp thêm thông tin về kế hoạch dỡ bỏ các loại thuế quan này trong những tuần tới.
Theo bà Yellen, Trung Quốc có những “hành xử thương mại không công bằng”, nhưng cũng thừa nhận các biện pháp trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm “không được thiết kế để phục vụ lợi ích chiến lược” của Washington.
Nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp đã thúc giục ông Biden cắt giảm thuế quan thương mại để hạ nhiệt lạm phát ở Mỹ - do các yếu tố nghiêm trọng gây ra, bao gồm phục hồi sau Covid-19, khủng hoảng chuỗi cung ứng và chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga tiến hành ở Ukraine.
Shang-Jin Wei, nhà kinh tế học và giáo sư về kinh tế và kinh doanh Trung Quốc tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết: “Nếu Mỹ điều chỉnh thuế quan thì sẽ không phải để giúp Trung Quốc mà là để... giúp Mỹ. Xóa bỏ thuế quan có thể giúp giảm chi phí sản xuất cho các công ty Mỹ và chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình".
Chính quyền cựu Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm hàng trăm tỷ USD hàng tiêu dùng của Trung Quốc.
Việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc có thể giúp hạ giá một số mặt hàng. Đơn cử như nguyên liệu thô. Nhưng các chuyên gia cảnh báo, quyết định này sẽ không hạ nhiệt lạm phát xuống mức mong muốn.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, thuế với hàng Trung Quốc không phải là “viên đạn bạc” để giải quyết tình trạng lạm phát cao.
Bà Yellen đưa ra quan điểm: "Tôi cho rằng việc này có thể giảm phần nào giá cả hàng hóa, có thể giúp giảm giá những mặt hàng đang gây ra gánh nặng. Nhưng tôi cũng muốn nói rõ rằng, thành thật mà nói, tôi cho rằng, chính sách thuế quan không phải là liều thuốc chữa bách bệnh đối với lạm phát”.
Dù vậy, theo các nhà kinh tế học, điều này không có nghĩa là Mỹ nên duy trì thuế quan nói trên, bởi chính sách này không hiệu quả với các mục tiêu ban đầu.
Nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung tại Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR) David Sacks nhận định.“Việc áp thuế đã không thay đổi hành vi của Trung Quốc theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa. Tôi cho rằng, thuế quan sẽ không giải quyết những vấn đề cốt lõi của Mỹ với Trung Quốc”.
Theo GS. Robert Handfield của Đại học Bắc Carolina (Mỹ), chính quyền Tổng thống Biden sẽ giảm thuế một cách có chọn lọc theo ngành hàng. Các dự án năng lượng mặt trời sẽ được ưu tiên vì hầu hết các tấm pin mặt trời đến từ Đông Nam Á và Trung Quốc.Mới đây, Mỹ đã tuyên bố tạm dừng hai năm đối với thuế nhập khẩu tấm pin mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á, bao gồm: Việt Nam, Campuchia, Malaysia và Thái Lan. Việc chính quyền Mỹ miễn thuế sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành năng lượng sạch giải phóng hàng tỷ USD cho sản xuất.
"Giảm thuế quan có thể không có tác động vật chất về lâu dài, nhưng nó có thể có tác động ngắn hạn. Rất nhiều tổ chức đã tìm mọi cách để tránh thuế quan tạm thời, tuy nhiên, không rõ liệu việc loại bỏ thuế quan có tác động ngay lập tức đến chi phí lạm phát hay không", GS.Handfield nói.
GS. Handfield cho rằng, bên cạnh chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và đại dịch Covid-19, vấn đề cốt lõi gây ra lạm phát cao là hạ tầng chuỗi cung ứng. Đại dịch đã làm lộ rõ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, gây ra tắc nghẽn tại các cảng biển lớn ở Mỹ.
“Tôi cho rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không thể làm gì trong ngắn hạn. Một trong số những việc họ đang làm là tăng lãi suất, từ đó có thể giảm nhu cầu với một số mặt hàng, nhưng chuỗi cung ứng vẫn tồn tại nhiều nút thắt. Ít nhất 2 năm nữa chuỗi cung ứng toàn cầu mới có thể hoạt động bình thường trở lại", GS. Handfield nhấn mạnh.