Cường độ lạm phát Mỹ hiện tại cùng những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và thị trường lao động lớn hơn dự đoán. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày càng có nhiều nhà kinh tế lo ngại, Fed có thể tụt lại phía sau đường cong lạm phát trong khi tìm cách hỗ trợ sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ.
Nếu điều đó xảy ra, ngân hàng trung ương này sẽ phải thắt chặt các chính sách mạnh mẽ hơn so với dự đoán của các nhà kinh tế và những người tham gia thị trường hiện nay, qua đó giáng một đòn tiềm tàng vào nền kinh tế và tạo ra một sự biến động trên thị trường.
Cựu Phó Chủ tịch Fed Donald Kohn cho biết: "Cường độ lạm phát hiện tại cùng những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng và thị trường lao động lớn hơn tôi dự đoán". Ông Kohn cũng chia sẻ sự tin tưởng của Fed rằng, việc lạm phát gia tăng chỉ mang tính chất tạm thời, "song cũng có thể là chỉ dấu cho thấy cán cân cung cầu cơ bản sẽ không được điều chỉnh một cách dễ dàng và thoải mái như Fed mong đợi trước đó".
Bước đi dự kiến đầu tiên trong quá trình thu hẹp dần việc cung cấp các nguồn tiền lãi suất thấp sẽ là làm giảm chậm quá trình mua trái phiếu thế chấp và trái phiếu chính phủ của Fed, điều mà Chủ tịch Jerome Powell lên tiếng khẳng định rằng ông sẽ không quá vội vàng.
Bộ Lao động Mỹ ngày 10/6 cho biết, giá tiêu dùng trong tháng Năm đã tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu dùng cơ bản, không bao gồm các thành phần năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 3,8% - mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ năm 1992.
Các ngân hàng trung ương lưu ý rằng, sự gia tăng lạm phát gần đây xuất phát từ sự kết hợp bất thường giữa tắc nghẽn nguồn cung và nhu cầu bị dồn nén từ người tiêu dùng - những áp lực mà có thể sẽ giảm xuống vào cuối năm nay.
Kể từ năm ngoái, Fed đã giữ mức lãi suất qua đêm gần bằng 0 và đã mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu kho bạc và thế chấp mỗi tháng. Mục tiêu của thể chế này là thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế bằng cách cung cấp tín dụng giá rẻ.
Các nhà kinh tế cho rằng, dòng tiền cho vay với lãi suất thấp có thể làm trầm trọng hơn sự mất cân bằng vốn đang đẩy giá lên cao. Một rủi ro chính là việc tăng giá ngày càng cao và kéo dài khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp bắt đầu kỳ vọng và chấp nhận lạm phát cao hơn.
Nếu điều đó xảy ra, Fed có thể sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn mức dự đoán hiện tại để làm giảm những kỳ vọng đó.
Trong nhiều thập kỷ, Fed đã dựa vào các dự báo về lạm phát để định hướng chính sách tiền tệ. Nếu các dự báo cho thấy lạm phát quá cao xuất hiện, Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn điều này.
Tuy nhiên, vào tháng 8/2020, sau hơn một thập kỷ tỷ lệ lạm phát được duy trì dưới mức mục tiêu, Fed đã quyết định loại bỏ chiến lược đó để ưu tiên thúc đẩy thị trường lao động mạnh mẽ hơn.
Từ tháng 12/2020, các quan chức Fed đã lưu ý rằng, họ sẽ không tăng lãi suất cho đến khi thị trường lao động trở lại mức tối đa và lạm phát tăng lên 2% và duy trì trong một khoảng thời gian.
Trong khi đó, các ngân hàng trung ương đã cảnh báo trong những nhận xét gần đây; rằng họ sẽ hành động sớm hơn nếu lạm phát trở thành một vấn đề.
Julia Coronado, cựu chuyên gia kinh tế của Fed và là Chủ tịch của MacroPolicy Perspectives LLC, cho biết, bà không nghĩ rằng dữ liệu lạm phát gần đây sẽ khiến Fed thay đổi quyết định.
Bà Coronado phát biểu: "Những áp lực về giá tiêu dùng chỉ tập trung rất hạn chế vào những thứ mang tính tạm thời. Chúng ta đang ở thời điểm căng thẳng nhất. Chúng ta đang mở cửa trở lại. Chúng ta đang thực hiện các biện pháp lớn để kích thích nền kinh tế. Chúng ta đã thực hiện chính sách tiền tệ ở mức kích thích tối đa".
Trong khi đó, ông Mark Carney, người từng lãnh đạo Ngân hàng trung ương Anh từ năm 2013 đến năm 2020 và Ngân hàng trung ương Canada từ năm 2008 đến năm 2013, cho biết, ông nhận thấy ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy sự thắt chặt của thị trường lao động Mỹ và áp lực giá cả liên quan có thể kéo dài hơn.