Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) có trữ lượng quặng trên 544 triệu tấn, được coi là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 1/2 trữ lượng quặng sắt cả nước. (Nguồn VGP) |
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) thuộc Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ.
Tuy nhiên, quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn tài chính. Đến tháng 11/2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.
Tại hiện trường, Thủ tướng đã nghe đại diện các bên báo cáo về các vấn đề liên quan tới dự án. Hiện các bên liên quan vẫn có các ý kiến khác nhau về phương án xử lý trong thời gian tới. Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, việc dự án đã tạm dừng từ lâu nhưng chưa có phương án xử lý hiệu quả dẫn tới nhiều tồn đọng, phát sinh liên quan chưa được giải quyết.
Theo báo cáo của địa phương, khu vực này cũng có tiềm năng rất thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là du lịch biển và du lịch tâm linh. Địa phương đang đứng trước lựa chọn phát triển du lịch hay khai thác quặng sắt.
Theo Thủ tướng, dự án mỏ sắt Thạch Khê với 7.000 hộ dân trong vùng dự án sau 14 năm triển khai đã xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập, đang tạm dừng, nhà đầu tư không biết làm tiếp hay không, người dân không biết ở hay đi.
Gợi mở hướng xử lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với các vấn đề càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số.
Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá tổng thể về các vấn đề kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, bảo đảm môi trường… cả trước mắt và lâu dài trên cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, cơ sở lòng dân, lắng nghe ý kiến các chủ thể liên quan, các nhà khoa học và người dân, đưa ra các kết luận chính xác, lựa chọn phương án phù hợp, khả thi nhất, có lợi nhất, nhanh chóng có quyết sách, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan.
Trước đó, sáng cùng ngày, tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong trên cả nước đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc. (Nguồn: VGP) |
Cùng đi với Thủ tướng có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Minh Lương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và tỉnh Hà Tĩnh.
Thủ tướng và đoàn đã dâng hương, đặt vòng hoa tại Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong toàn quốc-nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ thanh niên xung phong trong cả nước và khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc.
Trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, Thủ tướng và đoàn kính cẩn nghiêng mình, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các thế hệ cha anh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.
Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Với vị trí yết hầu, Ngã ba Đồng Lộc nằm trên các hành lang giao thông nối liền Bắc-Nam, Đông-Tây, là điểm trung chuyển cho các chiến trường hai miền Nam-Bắc và chiến trường Lào.
Chiến trường Đồng Lộc những năm 1964-1972 đã ghi dấu sự hy sinh cao cả của quân và dân ta. Hàng vạn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và người dân nơi đây đã anh dũng chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để mạch máu giao thông không bị tắc nghẽn. Lúc cao điểm, nơi này có tới 16.000 người làm nhiệm vụ, chủ yếu là bộ đội pháo binh và lực lượng thanh niên xung phong phá bom, mở đường. Tính bình quân, mỗi mét vuông của mảnh đất Ngã Ba Đồng Lộc đã phải gánh chịu 3 tấn bom đạn.
Đặc biệt, Ngã ba Đồng Lộc là nơi 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 (thuộc Đại đội 2, Tổng đội Thanh niên xung phong 55 tỉnh Hà Tĩnh) đã anh dũng hy sinh vào ngày 24/7/1968 trong lúc đang làm nhiệm vụ khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình.
Sự hy sinh anh dũng của các nữ thanh niên xung phong đã trở thành biểu tượng cống hiến to lớn của hàng triệu thanh niên vì nước quên thân, không tiếc tuổi xuân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Từ đó, địa danh lịch sử Ngã ba Đồng Lộc bất tử đã đi vào lịch sử, trở thành địa chỉ đỏ tự hào, gần gũi và thiêng liêng của cách mạng Việt Nam, biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
| Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình, dự án lớn tại Thái Bình Ngày 8/5, trong chuyến công tác tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công ... |
| Hà Nội khảo sát ý kiến phụ huynh cho học sinh lớp 1-6 đến trường Tại Hà Nội, không ít trường tiểu học, THCS nội thành đang tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho ... |