Hàng hóa bày bán tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc. (Nguồn: TTXVN) |
Theo báo cáo, nếu trừ các mặt hàng thực phẩm tươi sống có nhiều biến động, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản trên toàn quốc của Nhật Bản có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2014 và vẫn cao hơn mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% của Ngân hàng trung ương (BOJ) trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Lạm phát tiêu dùng tại nước này đã tăng nhanh từ 2,4% trong tháng 7 do giá năng lượng và thực phẩm leo thang, cũng như sự suy yếu nhanh chóng của đồng Yen.
Báo cáo của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản được công bố vài ngày trước khi BOJ dự kiến nhóm họp trong tuần này.
Khác với nhiều nước khác, BOJ đã không lựa chọn giải pháp tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, bởi ngân hàng này coi việc tăng giá hàng hóa hiện tại chỉ là tạm thời.
Khoảng cách ngày càng tăng giữa chính sách tiền tệ của Nhật Bản và việc tăng lãi suất ở các nước khác đã khiến đồng Yen lao dốc, xuống mức thấp trong nhiều thập niên so với đồng USD.
BOJ vẫn duy trì mục tiêu duy trì lạm phạt ở mức 2%, cho rằng đây là yếu tố thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.
* Tại Hàn Quốc, đa số nhà phân tích nhận định, nền kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ giai đoạn đầu do tác động của các chính sách thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu nhằm giảm lạm phát.
Kết quả cuộc khảo sát do Nhật báo kinh tế Hàn Quốc thực hiện cuối tuần qua với 34 chuyên gia kinh tế hàng đầu cho thấy, 56% cho rằng kinh tế Hàn Quốc đã rơi vào giai đoạn lạm phát đình trệ.
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị, chính phủ cần thực hiện các bước thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng dần trở lại.
Về yếu tố tác động lớn nhất và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát đình trệ, 41,2% số chuyên gia chọn khủng hoảng năng lượng như khí đốt tự nhiên; 38,2% cho rằng do Mỹ thắt chặt tiền tệ và 14,7% nhận định do tình hình kinh tế Trung Quốc.
Chuyên gia Joo Won thuộc Viện nghiên cứu Hyundai nhận thấy, chính phủ Hàn Quốc đã đặt ưu tiên hàng đầu là ổn định giá cả, song giờ đây, cần có các biện pháp chuẩn bị cho cuộc “hạ cánh cứng” từng bước.
Trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất cơ bản, Hàn Quốc cũng cần có những bước tương tự và như vậy, lãi suất cơ bản của quốc gia Đông Bắc Á này sẽ vượt mốc 3%.