📞

Lạm phát tràn lan khắp nước Nga, nền kinh tế 'bùng nổ' nhưng khủng hoảng đang dần tích tụ

Linh Chi 10:23 | 19/11/2024
Lạm phát ở Nga đang tăng vọt và giới chuyên gia dự đoán, nền kinh tế phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đang dần tích tụ.
Ở Nga, thu nhập quốc dân tăng lên, nhưng không có sự cải thiện đáng kể nào về y tế, giáo dục, công nghệ và cơ sở hạ tầng.(Nguồn: RIA Novosti)

Ở Nga, số liệu chính thức cho thấy, hiện bơ, một số loại thịt và hành tây đắt hơn khoảng 25% so với một năm trước. Một số siêu thị đã hạn chế bán bơ khi lạm phát tràn lan khắp đất nước.

Tỷ lệ lạm phát chung ở Nga dưới 10% - cao hơn nhiều so với dự đoán của Ngân hàng trung ương nước này.

Lạm phát tại Moscow đang bị thúc đẩy bởi sự gia tăng nhanh chóng của tiền lương, khi Điện Kremlin đổ hàng tỷ USD vào các ngành công nghiệp quân sự và nhiều nhân sự đang thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bên ngoài ngành quân sự thiếu nhân viên và đang phải trả lương cao hơn.

Ông Alexandra Prokopenko tại Trung tâm Carnegie Russia Eurasia ở Berlin (Đức) nói rằng, giá cả đang tăng vì chiến dịch quân sự đặc biệt. Tiền lương tăng vì người sử dụng lao động phải cạnh tranh mới "hút" được nhân sự.

Các nhà kinh tế khác thì đánh giá, ở xứ bạch dương, thu nhập quốc dân tăng lên, nhưng không có sự cải thiện đáng kể nào về y tế, giáo dục, công nghệ và cơ sở hạ tầng.

Trở ngại chính

Trong nỗ lực làm giảm lạm phát, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt vào tháng 10 lên mức cao kỷ lục là 21%.

Về vấn đề này, các nhà kinh tế nhận thấy: "Áp lực lạm phát gia tăng không chỉ sẽ tiếp diễn mà thậm chí có thể tiếp tục đi lên".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu tháng này cho biết, nền kinh tế cần gần 1 triệu lao động mới vì tỷ lệ thất nghiệp là 2,4%, hay "gần như không có thất nghiệp".

Ông Putin mô tả tình trạng thiếu hụt lao động ở đất nước là một trong những trở ngại chính đối với tăng trưởng kinh tế.

“Chúng tôi có khoảng nửa triệu người làm trong ngành xây dựng. Ngành này sẽ cần 600.000 nhân sự nữa. Còn ngành sản xuất cần thêm ít nhất 250.000 nhân sự", người đứng đầu Điện Kremlin thông tin.

Chi phí lao động và lãi suất cao đang gây sức ép lên các công ty.

Hồi tháng 10/2024, Ngân hàng Alfa cho biết, các công ty đã gặp khó khăn và với việc lãi suất chủ chốt tăng lên 21%, tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa. "Chúng tôi không loại trừ nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp gia tăng", đại diện Ngân hàng Alfa dự báo.

Ngân hàng trên cũng cho rằng, ​​lãi suất chủ chốt sẽ được Ngân hàng Trung ương Nga tăng lên 23% vào tháng tới.

Trọng tâm của tình trạng hiện tại là vì chi tiêu của Điện Kremlin. Ngân sách quân sự sẽ tăng gần 1/4 vào năm 2025, chiếm 1/3 tổng chi tiêu của nhà nước và 6,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cộng thêm các khoản chi tiêu khác được gọi là "an ninh quốc gia", thì chiếm tới 40% ngân sách liên bang.

Theo dự thảo ngân sách công bố vào tháng 9, chi tiêu quốc phòng của Nga trong năm 2025 sẽ ít nhất gấp đôi chi tiêu xã hội, bao gồm phúc lợi và lương hưu.

​​GDP của Nga dự báo sẽ tăng 3,6% trong năm nay. (nguồn: CNN)

Nền kinh tế "bùng nổ"

Nền kinh tế Nga được dự đoán sẽ sụp đổ sau khi các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây vào năm 2022. Nhưng trái dự đoán, nền kinh tế đã bất ngờ "bùng nổ".

Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga (Rosstat) cho biết, mức tăng trưởng GDP của Nga trong quý III/2024 được ước tính tạm thời ở mức 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành chế biến là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP, trong đó phân khúc máy móc đóng góp lớn nhất. Các chỉ số cao đã được chứng minh bằng sản lượng của từng loại phương tiện cơ giới và thiết bị, bao gồm toa xe lửa và đầu máy xe lửa.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự kiến, ​​GDP của Moscow sẽ tăng 3,6% trong năm nay. Để so sánh, mức dự báo ở Washington là 2,8%.

Các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng không hạ gục xứ bạch dương. Đất nước đã tránh lệnh trừng phạt bằng cách nhập khẩu công nghệ phương Tây thông qua các nước thứ ba, đặc biệt là thông qua Trung Á và Thổ Nhĩ Kỳ.

Và bất chấp tất cả các lệnh trừng phạt, kim ngạch nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) từ Nga vẫn đạt gần 50 tỷ USD vào năm ngoái.

Điện Kremlin vẫn gặt hái lợi ích từ việc xuất khẩu dầu và khí đốt sang Ấn Độ và Trung Quốc - chủ yếu thông qua "hạm đội bóng tối".

Ở trong nước, thu nhập của nhà nước đang tăng lên, đặc biệt là thông qua thuế bán hàng khi người Nga chi tiêu nhiều hơn.

Theo Cục Thống kê Nhà nước Nga, thu nhập sau khi điều chỉnh theo lạm phát đã tăng 5,8% vào năm 2023, khi các công ty săn đón người lao động.

Đối với hàng triệu người dân làm thêm giờ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng và sản xuất, hiện tại là thời cơ rất tốt. Và đặc biệt, những người giàu có từng chi tiêu nhiều tiền cho các chuyến nghỉ dưỡng ở châu Âu giờ đây đang ở Nga và tiêu tiền. Điều này tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế.

Các gia đình cũng được hưởng lợi từ mức lương cao hơn.

Không phải ai cũng hưởng lợi

Ông Prokopenko cho biết, những người lao động trong khu vực công - bao gồm bác sĩ, giáo viên - hay những người về hưu và người hưởng trợ cấp xã hội đang bị ảnh hưởng nặng nề do lạm phát. Đất nước của Tổng thống Putin cũng chưa có cách giải quyết cho tình trạng thiếu lao động kéo dài.

Không chỉ thế, theo giới chuyên gia, tình hình nhân khẩu học dài hạn của nước này cũng rất ảm đạm.

Liên hợp quốc dự kiến, ​​dân số Nga sẽ giảm xuống còn 142 triệu vào năm 2030, từ mức dưới 145 triệu hiện nay. Độ tuổi trung bình của nước này cũng đang tăng lên: Hơn 1/5 dân số ở độ tuổi 60.

Năm 2022, Bộ Quốc phòng Anh ước tính, có khoảng 1,3 triệu người rời khỏi Nga khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Kiev. Điều này làm trầm trọng thêm xu hướng lực lượng lao động đang giảm sút của đất nước. Trong số những người rời đi, có nhiều người là những chuyên gia trẻ tuổi.

Các nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Nga đối mặt với một cuộc khủng hoảng đang dần tích tụ.

Mặc dù có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên trong vài năm qua nhưng nền kinh tế Nga vẫn dễ bị tổn thương trước những cú sốc trong bối cảnh toàn cầu bất ổn. Giá hàng hóa thấp hơn, nhu cầu dầu thô của Bắc Kinh đối với Moscow chậm lại và chiến tranh thương mại đều sẽ tác động đến nền kinh tế.

Và khi chiến dịch quân sự kết thúc, Nga sẽ phải thích nghi với nền kinh tế mới. Ở đó, những ưu tiên cho quân sự sẽ phải giảm bớt và những ngành đang được hưởng lợi sẽ phải thay đổi.

(theo CNN)