Cùng với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trở lại để các 'đại bàng' yên tâm đầu tư tại Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Luật chơi chung, không thể né tránh
Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ trình Dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đầu tuần này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục chủ trì một cuộc họp bàn về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu. Và quan điểm thống nhất một lần nữa được nhấn mạnh là cần thiết phải ban hành Nghị quyết, thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, bởi đó là “luật chơi chung”, không thể né tránh. Thực thi thuế tối thiểu toàn cầu cũng là cách để Việt Nam vừa chủ động giành quyền đánh thuế, vừa tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.
Chính ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhấn mạnh điều này khi thẩm tra Dự thảo Nghị quyết. “Việc sớm ban hành Nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường pháp lý tại Việt Nam”, ông Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cũng cho rằng, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 là cần thiết, bởi nếu mình không thu thuế, thì các nước khác cũng thu thuế bổ sung.
“Việt Nam cần áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, bà Yên nói.
Tuy nhiên, trong thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, vấn đề không chỉ là ra tuyên bố về việc áp dụng, mà là sẽ thu và sử dụng khoản thuế bổ sung như thế nào?
Theo số liệu của Bộ Tài chính, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, với khoản thuế chênh lệch, được tính toán dựa trên quyết toán thuế năm 2022, có thể lên tới hơn 14.600 tỷ đồng/năm.
Theo bà Nguyễn Vân Chi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết đang quy định nộp vào ngân sách Trung ương, nhưng cũng có ý kiến đề nghị nộp vào quỹ riêng để sử dụng cho phát triển hạ tầng, khu công nghiệp hoặc hỗ trợ trở lại nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
“Vấn đề này, Chính phủ cần cân nhắc, hướng dẫn thêm”, bà Nguyễn Vân Chi nói.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh), khi bàn về việc sử dụng khoản thu thuế bổ sung, đã dẫn trường hợp của Thái Lan, là họ đã xây dựng xong kế hoạch chuyển nguồn thu này sang một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhằm tái hỗ trợ nhà đầu tư bằng con đường khác, để khuyến nghị rằng, “Việt Nam cũng cần nghiên cứu giải pháp này”.
Để thu hút và giữ chân “đại bàng”
Sử dụng ngân quỹ thu thuế bổ sung như thế nào cũng chính là vấn đề mà các tập đoàn nước ngoài, các chuyên gia kinh tế và cả các đại biểu quan tâm.
Theo ông Vũ Tuấn Anh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đi kèm với cơ chế áp thuế tối thiểu toàn cầu, cần nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ trở lại để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Chính đại biểu Tạ Thị Yên cũng có nhiều băn khoăn trước vấn đề này. Theo bà Yên, áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài đang trong giai đoạn được hưởng ưu đãi thuế, với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế được hưởng thấp hơn 15%.
“Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần tìm ra những đòn bẩy kinh tế mới, kể cả các ưu đãi khác hoặc có những giải pháp phi kinh tế mới tương xứng, hữu hiệu, toàn diện...”, đại biểu Yên nói và cho rằng, điều này nhằm bảo đảm quá trình chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn diễn ra một cách thuận lợi, nhất là khi đầu tư vào các ngành công nghệ cao, năng lượng mới, mang lại việc làm, thu nhập cho người dân và sự phát triển cho đất nước.
Trên thực tế, liên quan vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được giao hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Dự thảo hiện không được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Mạnh cho biết, quá trình thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, có ý kiến không đồng tình với việc ban hành nghị quyết này một cách đơn lẻ; có ý kiến đề nghị sớm ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ bổ sung, để giữ chân các nhà đầu tư cũ và tránh các hệ lụy nếu các nhà đầu tư này rời khỏi Việt Nam.
“Việt Nam thu thuế bổ sung thì cũng cần nghiên cứu chính sách ưu đãi, hỗ trợ bổ sung. Việc này để nhà đầu tư thấy rằng, nếu họ không còn được hưởng ưu đãi thuế, thì sẽ có các ưu đãi khác giúp giảm chi phí”, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ.
Theo ông Hoàng Văn Cường, hiện Dự thảo Nghị quyết chưa đưa ra được tín hiệu này. Vì thế, cần có động thái để nhà đầu tư biết rằng, họ sẽ được hưởng thêm các chính sách hỗ trợ khác khi áp thuế tối thiểu toàn cầu.
Dù đồng tình với việc cần thiết có thêm chính sách ưu đãi bổ sung, song ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các chuyên gia đều nhấn mạnh đến sự thận trọng cần thiết, bởi cần tuân thủ các cam kết quốc tế, không vi phạm quy định của OECD, cũng như tránh các khiếu kiện không cần thiết, do đôi khi, các ưu đãi thuế dành cho nhà đầu tư đã được ghi cụ thể trên giấy chứng nhận đầu tư của dự án.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Vân Chi cũng cho rằng, Chính phủ cần đẩy nhanh việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để cụ thể hóa các vấn đề liên quan đến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, thay vì chỉ quy định trong nghị quyết thí điểm.
“Nếu càng chần chừ việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thì sẽ càng có vướng mắc với các nhà đầu tư mới”, bà Nguyễn Vân Chi nói.