Toàn cảnh Hội thảo ngày 3/11. (Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân) |
Ngày 3/11, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan Việt Nam đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo về Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục hành chính qua cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
Báo cáo trình bày chi tiết các phát hiện từ “Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2022” (khảo sát MCQG 2022). Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp để thảo luận về các phát hiện và khuyến nghị của Báo cáo.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cho rằng, để nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá và áp dụng số hoá triệt để để quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.
"Việc sớm có quy chế kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp giảm thiểu gánh nặng yêu cầu thông tin không cần thiết đối với các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu", ông Hoàng Quang Phòng thông tin.
Cuộc khảo sát được thực hiện với 2 phần nội dung chính: Đối với nội dung khảo sát việc thực hiện thủ tục hành chính trên NSW, tính đến tháng 4/2022, có 12 thủ tục hành chính của 5 Bộ, ngành đang được thực hiện; Việc thực hiện thủ tục quản lý và kiểm tra chuyên ngành được khảo sát chung với các thủ tục của 10 bộ quản lý chuyên ngành.
Kết quả khảo sát là sự phối hợp tích cực, nghiêm túc, khách quan và công tâm của Tổng cục Hải quan, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp. Báo cáo kết quả khảo sát đã phân tích các ưu, nhược điểm của NSW, nêu ra các tồn tại, vướng mắc trong khâu thực hiện thủ tục của từng bộ, ngành liên quan trên NSW cũng như các tồn tại, vướng mắc trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành; từ đó đề xuất các giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong quy trình thủ tục, phương pháp thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp cũng như trong thời gian tới.
Đại diện cho nhóm nghiên cứu công bố Báo cáo, ông Phạm Ngọc Thạch - Phó trưởng Ban pháp chế VCCI - cho biết kết quả mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2022 được khảo sát, điều tra, ghi nhận ý kiến từ 3.048 doanh nghiệp từng thực hiện thủ tục và 46 cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2022.
Ông Thạch cho biết thêm từ 249 thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, nhóm nghiên cứu chọn 12 thủ tục hành chính có số lượng tờ khai lớn nhất để khảo sát, đánh giá.
Kết quả khảo sát cho biết có 10/12 thủ tục khi thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia giảm thời gian thực hiện từ 26 - 54% so với thực hiện thủ tục theo phương thức truyền thống - đến nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan nhà nước. Đáng chú ý nhất là thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu tiền chất công nghiệp giảm hơn nửa thời gian thực hiện.
Trong khi thời gian thực hiện hai nhóm thủ tục hành chính về nhập khẩu trang thiết bị y tế, sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu có thời gian thực hiện thủ tục tăng từ 15 - 17% so với quy trình làm thủ tục truyền thống.
Về chi phí thực hiện thủ tục, ông Thạch đánh giá kết quả khảo sát, điều tra của nghiên cứu VCCI cho thấy việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đã giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp ở hầu hết các thủ tục so với phương thức truyền thống. Có 10/12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua cơ chế một cửa quốc gia, chi phí thực hiện thủ tục giảm từ 148.000 đồng/thủ tục đến 3.845.000 đồng/thủ tục.
Trong đó, thủ tục tàu biển Việt Nam và nước ngoài xuất cảnh rời cảng biển quốc tế giảm nhiều chi phí nhất.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu VCCI cũng nhận định khi doanh nghiệp thực hiện các thủ tục qua cơ chế một cửa quốc gia sẽ giảm đáng kể về thời gian, chi phí so với phương thức truyền thống là nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan quản lý nhà nước.
Theo ông Bradley Bessire, Quyền Giám đốc USAID Việt Nam, đối thoại giữa các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân sẽ mang lại sự minh bạch và các cải cách hiệu quả hơn. Nếu được thực hiện, các kết quả của cuộc khảo sát sẽ giúp đẩy mạnh cải cách hơn nữa ngành hải quan.
"Cần phải chúc mừng cơ quan Hải quan Việt Nam vì những cải cách này đang tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, thương nhân và nhà đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”, ông Bessire nói.