📞

Lần đầu tiên, Chỉ số An toàn thông tin Việt Nam vượt ngưỡng trung bình

16:22 | 03/12/2016
Ngày 2/12, tại Hà Nội, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã công bố chỉ số An toàn thông tin Việt Nam 2016 (VNISA Index 2016). Theo đó, chỉ số trung bình của Việt Nam đạt 59,9%, lần đầu tiên vượt mức trung bình của thế giới. 

Công bố được đưa ra tại sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2016 do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Cục Công nghệ thông tin (Bộ Quốc phòng), Cục An toàn thông tin và Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đồng tổ chức.

Theo ông Vũ Quốc Khánh, Ủy viên Ban chấp hành VNISA, đây là lần thứ 9 VNISA thực hiện và công bố kết quả khảo sát hiện trạng an toàn thông tin trong các tổ chức và doanh nghiệp và là lần thứ 4 tiến hành đánh giá Chỉ số An toàn thông tin Việt Nam.

Việt Nam là điểm nóng về an toàn thông tin

Ông Khánh cho biết, chỉ số An toàn thông tin của Việt Nam đang có xu hướng tăng bền vững, thể hiện định hướng kiên định của Nhà nước và cộng đồng trong phát triển an toàn thông tin. Luật An toàn thông tin mạng và các quy định pháp lý mới cũng đang có những ảnh hưởng tích cực, ý thức về hậu quả của các hoạt động tấn công trên mạng gần đây được nâng cao.

Nhận định chung về thực trạng an toàn thông tin Việt Nam thời gian vừa qua, đại diện VNISA nhấn mạnh: “Nhận định của chúng ta trong năm ngoái về nguy cơ tấn công tàn khốc và chiến tranh mạng đang trở thành một thực tế rõ nét. Việt Nam cũng đang là một điểm nóng về an toàn thông tin mạng”.

An toàn thông tin mạng đang đặt ra nhiều thách thức cho toàn cầu. (Nguồn:

Theo thống kê của VNCERT, trong nửa đầu 2016, VNCERT đã ghi nhận 8.758 vụ tấn công giả mạo (phishing), gấp 3 lần cùng kỳ 2015; 77.160 vụ tấn công thay đổi nội dung (deface), gấp 8 lần so với 6 tháng đầu năm 2015. Đối tượng đe dọa an toàn thông tin đáng sợ nhất là hacker bất hợp pháp (26,9%), gián điệp công nghiệp (24,9%), băng nhóm tội phạm máy tính có tổ chức (khủng bố mạng, tống tiền, lừa đảo… chiếm 16,9%), các thế lực đến từ nước ngoài (chiếm 15%). 

Báo cáo của VNISA chỉ rõ, tốc độ phát triển an toàn thông tin của Việt Nam thời gian vừa qua chưa nhanh, mới chỉ đạt mức trung bình về chỉ số sau 4 năm. Hơn thế, đánh giá do Hiệp hội và Cục An toàn thông tin thực hiện chưa tính đến một số mặt, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, công nghệ an toàn thông tin.

Vì vậy, báo cáo khuyến nghị, để chỉ số an toàn thông tin tiếp tục tăng một cách thực chất, bền vững trong thời gian tới, Việt Nam cần lấy thế trận toàn dân làm gốc trong chiến lược phòng thủ trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đặc biệt, cần lấy con người làm nguồn lực chính, chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin cả về lượng và chất. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần trang bị các công cụ, vũ khí bảo vệ an toàn thông tin phù hợp với đặc thù của đất nước, chẳng hạn như các sản phẩm do chính các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu và sản xuất.

Sẵn sàng với kỷ nguyên mới của an ninh mạng

Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam Việt Nam năm 2016 với chủ đề “Kỷ nguyên mới của an ninh mạng”.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, thời gian gần đây, tình hình an toàn thông tin trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Đã xuất hiện nhiều cáo buộc giữa các quốc gia về tình hình mất an toàn thông tin.

“Đến thời điểm hiện tại, vấn đề xung đột mạng vẫn còn mới mẻ và chưa được quy định chặt chẽ. Chưa có hiệp ước hay luật quốc tế nào về an toàn, an ninh mạng ra đời mà chỉ tồn tại một bộ quy tắc tuy có thể tạm xem là chuẩn mực nhưng còn mang tính chắp vá nhằm xác định những cách hành xử được chấp nhận trên không gian mạng”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnhl: V.H)

Ông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh, tình hình an toàn thông tin mạng Việt Nam đang ngày càng diễn biến phức tạp với sự tăng mạnh về quy mô, số lượng, mức độ tinh vi và tính chuyên nghiệp trong các cuộc tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế.

Trong thời gian tới, tình hình an toàn thông tin được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và xu hướng bùng nổ trên thế giới. Đây là xu hướng tất yếu và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

“Cộng đồng tội phạm mạng, thế giới ngầm của các hacker hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, các công cụ, vũ khí tấn công mạng được xây dựng bởi những lực lượng có chuyên môn cao, đầu tư lớn và bài bản, thậm chí đã được cung cấp như một dịch vụ công nghệ thông tin ở quy mô xuyên quốc gia”, ông Nguyễn Thành Hưng cho hay.

Để đối phó và phản ứng kịp thời trong kỷ nguyên mới của an ninh mạng, theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin cần nhanh chóng chuyển mình, thích nghi và có những bước đi phù hợp để ứng phó được với tình hình hiện nay.