Các nhà lãnh đạo EU-Nhật Bản đã thông qua một tuyên bố chung đầy tham vọng, trong đó đề cập loạt vấn đề nóng liên quan Trung Quốc. (Nguồn: AFP) |
Các nhà lãnh đạo châu Âu và Nhật Bản đã thông qua một tuyên bố chung đầy tham vọng gồm 3 trụ cột chính được thảo luận là: các vấn đề toàn cầu, quan hệ song phương, chính sách đối ngoại và an ninh.
Trong việc hợp tác an ninh và quốc phòng, EU tập trung củng cố trọng tâm chiến lược vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường hợp tác với Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh hàng hải, an ninh mạng.
Bên cạnh đó, đúng như truyền thông đã đưa tin trước đó, lần đầu tiên thông cáo chung của Nhật Bản và các nhà lãnh đạo EU đã đề cập vấn đề Đài Loan, Biển Đông, biển Hoa Đông.
Về vấn đề Đài Loan, các nhà lãnh đạo đề cập thể hiện quan ngại về việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong khu vực và phô trương sức mạnh hải quân.
Tuyên bố chung nêu rõ: "Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho các vấn đề ở khu vực này".
Với tình hình ở Biển Đông và biển Hoa Đông, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại, tuyên bố "phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và các hành động làm gia tăng mức độ căng thẳng".
Các lãnh đạo EU và Nhật Bản đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết bất đồng thông qua đối thoại và trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.
Phản ứng trước tuyên bố chung này, cùng ngày, Phái đoàn Trung Quốc tại EU đã kiên quyết phản đối, cho rằng chúng "đã hoàn toàn vượt ra ngoài tiêu chuẩn dành cho sự phát triển các quan hệ song phương".
Phát ngôn viên này nhấn mạnh: "Các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hong Kong và Tân Cương là công việc nội bộ của Trung Quốc. Biển Hoa Đông và Biển Đông liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc. Tất cả những vấn đề này đại diện cho lợi ích cơ bản của Trung Quốc và không thể can thiệp".
Quan chức này cho rằng, động thái như của Nhật Bản-EU "sẽ làm suy yếu hòa bình và ổn định quốc tế, làm tổn hại đến sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực, làm tổn hại lợi ích của các bên thứ ba và đi ngược lại những gì họ tuyên bố là làm việc cho một thế giới an toàn, dân chủ và ổn định hơn".