Chiếc 'Máy bay săn bão'Hurricane Hunter P-3 được sử dụng trong nghiên cứu. (Nguồn: mynews13.com) |
Nhóm Chương trình Thực địa Bão của NOAA đã thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu trong cơn bão Tammy vào tháng 10 vừa qua bằng chiếc “Máy bay săn bão” Hurricane Hunter P-3.
Từ chiếc máy bay này, họ phóng các thiết bị bay không người lái vào tâm bão nhằm thu thập các bộ dữ liệu.
Ngoài việc đây là lần đầu tiên phóng thiết bị bay không người lái S0 của hãng Black Swift Technologies vào tâm bão, nghiên cứu lần này còn có sự phối hợp thành công lần đầu tiên của các công nghệ sau:
Altius 600 của hãng Anduril: thiết bị bay không người lái bay thấp, được phóng ra từ máy bay Hurricane Hunter và có khả năng hoạt động trên biển ở độ cao thấp và trung bình. Nó thu thập dữ liệu các lớp ngoài rìa của cơn bão để phát hiện những thay đổi trong cấu trúc tổng thể của cơn bão. Trong khi bay vào cơn bão Tammy, thiết bị này đã truyền về những dữ liệu từ độ cao 286m so với mực nước biển.
Saildrone: một phương tiện không người lái chạy bằng năng lượng gió và Mặt trời, thu thập dữ liệu ngay sát bề mặt đại dương. Những quan sát này cải thiện sự hiểu biết của con người về sự thay đổi cường độ bão nhiệt đới.
Máy đo nhiệt độ: các đầu dò nhỏ được thả ra từ máy bay săn bão để đo nhiệt độ đại dương theo độ sâu. Chúng có thể thu thập dữ liệu nhiệt độ đại dương ở độ sâu 350 mét.
Dropsondes: các thiết bị nhỏ thu thập thông tin về áp suất khí quyển, nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và hướng gió khi chúng đi xuống bầu khí quyển. Chúng bao gồm một máy thăm dò đặc biệt được trang bị cảm biến hồng ngoại có khả năng đo nhiệt độ mặt nước biển.
Hàng chục nhà khoa học, thành viên phi hành đoàn và các đối tác công nghiệp tư nhân đã lên kế hoạch và thực hiện cuộc nghiên cứu phức tạp này để thu thập dữ liệu quan trọng về cách thức bão hình thành từ tầng khí quyển và trên biển.
Ông Joe Cione, trưởng nhóm khí tượng học của NOAA cho biết: “Nhóm chúng tôi đã điều phối vụ phóng các thiết bị không người lái, cho phép thu thập dữ liệu để phân tích và nâng cao hiểu biết của con người về mối tương tác giữa khí quyển và đại dương”.