📞

Lần đầu tổ chức thượng đỉnh trực tiếp, lãnh đạo nhóm Bộ tứ sẽ bàn bạc những vấn đề gì?

Thế Linh 14:10 | 23/09/2021
Trong cuộc họp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của Bộ tứ (Quad), các nhà lãnh đạo sẽ bàn về nhiều vấn đề 'nóng' tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Bộ tứ sẽ họp thượng đỉnh đầu tiên vào ngày 24/9. (Nguồn: NDTV)

Ngày 24/9, các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ tứ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên tại Washington, nhằm thúc đẩy hợp tác ở khu vực, cũng như đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Cuộc họp của nhóm Bộ tứ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thông báo đã ký kết một thỏa thuận an ninh 3 bên (AUKUS), theo đó, Australia sẽ được cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc đã lên án động thái này là "gây nguy hại" cho hòa bình và an ninh khu vực.

Đây cũng là sự tái hợp của nhóm Bộ tứ sau hơn nửa năm, kể từ cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Bộ tứ (Quad) được thành lập vào năm 2007 và do Nhật Bản khởi xướng, nhằm thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương, trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Tuy nhiên, theo thời gian, trước sự phát triển ảnh hưởng của Trung Quốc, Bộ tứ đã ngày một phát triển hơn và không chỉ tập trung vào kinh tế, mà còn có mục tiêu đảm bảo an ninh và thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở.

Dưới đây là một vài trong số những vấn đề mà Bộ tứ sẽ thảo luận tại hội nghị ngày 23/9:

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Bộ tứ sẽ tìm cách tiếp tục thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời sẽ hành động như một "người bảo vệ" để chống lại bất kỳ hành động bành trướng nào của Trung Quốc. Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông và xây dựng các thực thể quân sự trên các đảo nhân tạo ở đây.

Bộ tứ lo ngại Trung Quốc sẽ tận dụng điều đó để hạn chế tự do đi lại tại tuyến hàng hải thương mại quan trọng này. Các quốc gia trong nhóm Bộ tứ đã bắt đầu tổ chức các cuộc tập trận hải quân thường niên ở khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để chứng minh khả năng tương tác. Bản thân Mỹ cũng từng nhiều lần tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hội nghị thượng đỉnh này là "cơ hội quan trọng để gửi một thông điệp đến cộng đồng quốc tế và khu vực rằng các nhà lãnh đạo của Bộ tứ - vốn là các quốc gia lớn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng chia sẻ các giá trị cơ bản - cam kết sẽ thúc đẩy trật tự quốc tế tự do và rộng mở dựa trên luật pháp".

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ dự kiến sẽ phát tín hiệu phản đối nỗ lực thay đổi hiện trạng của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Theo các nguồn tin, dự thảo tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo sẽ sử dụng ngôn từ cứng rắn hơn trước đây liên quan đến tình hình ở vùng biển mà Trung Quốc đang đẩy mạnh yêu sách lãnh thổ. Các thành viên Bộ tứ cũng sẽ "phản đối những thách thức đối với trật tự dựa trên quy tắc hàng hải".

Ngoại giao vaccine

Khi các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ lần đầu tiên tổ chức một hội nghị trực tuyến tại thời kỳ cao điểm của cuộc khủng hoảng Covid-19 hồi tháng 3, họ đã cam kết cung cấp 1 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho khu vực châu Á vào cuối năm 2022.

Theo kế hoạch này, vaccine của Mỹ sẽ được sản xuất tại Ấn Độ với sự hỗ trợ về tài chính từ Mỹ và Nhật Bản, sau đó, các vaccine này sẽ được phân phối cho các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, kế hoạch này đã đổ vỡ do Ấn Độ bị càn quét bởi một đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng hồi tháng 4-5/2021, khiến chính phủ Ấn Độ phải ngừng mọi hoạt động xuất khẩu vaccine để dành nguồn lực vaccine cho người dân trong nước.

Hiện giờ, chính phủ Ấn Độ cho biết họ đã sẵn sàng tái khởi động các hoạt động xuất khẩu vaccine. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết các nhà lãnh đạo Ấn Độ sẽ trình bày kế hoạch của mình tại hội nghị ngày 24/9.

Bộ tứ sẽ nnắm đến việc đạt được đồng thuận trên nhiều vấn đề quan trọng.

Công nghệ và chuỗi cung ứng

Bộ tứ đang nỗ lực để đi đến đồng thuận về các vấn đề như mạng viễn thông 5G, bảo mật dữ liệu và trao đổi thông tin. Nhóm cũng đã tổ chức các cuộc thảo luận về việc thiết lập các chuỗi cung ứng khoáng sản và công nghệ quan trọng - một lĩnh vực khác mà họ đang mâu thuẫn với Trung Quốc.

Tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết các nhà lãnh đạo hy vọng sẽ nhất trí được các biện pháp thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn một cách lâu dài, đồng thời xem xét các khả năng cung ứng chất bán dẫn cũng như tính dễ bị tổn thương của lĩnh vực này.

Công nghệ bán dẫn là một lĩnh vực then chốt của cuộc cạnh tranh vì các con chip máy tính là động lực cho nền kinh tế hiện đại, và Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng ngành công nghiệp này ở trong nước.

Các dự án kết nối và cơ sở hạ tầng

Trước đây, Bộ tứ đã nhất trí thực hiện các dự án kết nối chung và tài trợ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng một cách minh bạch cho các nước trong khu vực, coi đó là một biện pháp nhằm đối trọng với sáng kiến "Vành đai và Con đường" có quy mô lớn của Trung Quốc - một sáng kiến đã đẩy nhiều nước vào tình trạng nợ nần.

Tuy nhiên, các quan chức cho rằng Bộ tứ vẫn chưa đạt được tiến triển gì nhiều trong vấn đề trên, và hội nghị thượng đỉnh ngày 23/9 sẽ là cơ hội để một lần nữa Bộ tứ thúc đẩy các kế hoạch này.

(theo Reuters/ Nikkei)