📞

Làn sóng phẫn nộ từ châu Mỹ đến châu Âu vì tham vọng lãnh thổ của ông Donald Trump

Bảo Minh 06:26 | 09/01/2025
Những tuyên bố tham vọng về việc không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp cưỡng chế quân sự hoặc kinh tế để mở rộng lãnh thổ của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã gặp phải sự phản đối của nhiều nước.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cùng tham vọng mở rộng lãnh thổ làm dấy lên làn sóng phản đối của nhiều nước. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 7/1, phát biểu họp báo tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã nhấn mạnh tham vọng mở rộng lãnh thổ khi cho rằng, Washington nên mua lại đảo Greenland - hòn đảo tự chủ thuộc vương quốc Đan Mạch, đe dọa giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, thậm chí cân nhắc sử dụng “sức mạnh kinh tế” để biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ.

Ông chủ thứ 47 của Nhà Trắng cũng tuyên bố sẽ đổi tên Vịnh Mexico thành “Vịnh Mỹ”.

Trước hành động này, những quốc gia liên quan như Canada, Panama hay Đan Mạch đều đã lên tiếng phản đối.

Theo hãng tin Sputnik, Tổng thống Panama Jose Raul Mulino chỉ trích những bình luận của ông Trump thể hiện sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về lịch sử, khẳng định kênh đào Panama thuộc phạm vi chủ quyền quốc gia và đó không phải là chủ đề đàm phán.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố "không có cơ hội nào" có thể khiến đất nước của ông thành một phần của Mỹ.

Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định, Greenland không phải để bán và: "Tôi không nghĩ rằng việc đấu tranh với nhau bằng phương tiện tài chính là một cách hay khi chúng ta là đồng minh và đối tác thân thiết".

Không chỉ 3 nước có liên quan, chính phủ Đức và Pháp cũng đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump về những phát ngôn trên.

Người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Hebestreit nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản về việc không được sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới, viện dẫn các thỏa thuận quốc tế như Hiến chương Liên hợp quốc.

Trong khi đó, bày tỏ lo ngại về "sự trở lại của luật rừng" trong quan hệ quốc tế, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tuyên bố dứt khoát rằng, Liên minh châu Âu (EU) sẽ không để bất kỳ quốc gia nào tấn công biên giới có chủ quyền của mình.